UBND TP.HCM - đơn vị được giao là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Dự án sẽ được trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
* Các địa phương sẽ tự cân đối nguồn vốn tăng thêm
Dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM là một trong những dự án giao thông kết nối vùng quan trọng bậc nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong chuyến khảo sát thực tế mới đây của đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hôi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc đầu tư dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM là rất cần thiết và cấp bách.
Ngày 20-5, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM.
Theo đó, dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua địa bàn 4 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài hơn 11km.
Về quy mô, dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe (bố trí không liên tục); phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. Các dự án thành phần sẽ được triển khai hoàn thành đồng bộ theo tiến độ chung của toàn dự án. Giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô giai đoạn hoàn thiện. Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022-2027.
Dự án được thực hiện bằng hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 75 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 38,7 ngàn tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 36,6 ngàn tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, UBND TP.HCM kiến nghị hỗ trợ 50% vốn đầu tư đối với các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 75% đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Long An.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, cả 4 địa phương đều đã có nghị quyết của HĐND thông qua bố trí vốn cho dự án. Đồng thời, các địa phương đều cam kết sẽ bố trí đủ phần vốn tăng thêm từ ngân sách địa phương trong trường hợp phải tăng tổng mức đầu tư.
Trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, UBND TP.HCM đã đưa ra phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư hằng năm của dự án đối với cả nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo yêu cầu của Quốc hội.
* Đảm bảo tái định cư cho người dân
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trong 5 tuyến đường cao tốc dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM là dự án phức tạp nhất trong công tác di dời, bố trí tái định cư do đa số dọc tuyến đã hình thành đô thị.
Dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh rộng từ 63-120m thì nhu cầu đất sử dụng cho dự án khoảng 643ha. Trong đó, TP.HCM hơn 408ha, Đồng Nai khoảng 65ha; Bình Dương hơn 119ha và Long An gần 50ha.
Theo kết quả khảo sát, tính toán, dự án có 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong đó, có 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư (TP.HCM có 741 hộ, tỉnh Đồng Nai có 100 hộ, tỉnh Bình Dương có 515 hộ và tỉnh Long An có 120 hộ).
Theo UBND TP.HCM, hiện các địa phương đã sơ bộ có phương án tổ chức thực hiện công tác tái định cư theo quy định như: chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Riêng địa bàn tỉnh Bình Dương, dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ bằng tiền để người dân tự lo nơi ở mới. Còn tỉnh Đồng Nai, các hộ dân đủ điều kiện tái định cư sẽ được bố trí tái định cư tại dự án khu tái định cư H.Nhơn Trạch.
Theo UBND TP.HCM, nhận định khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu trong quá trình triển khai dự án, ngay ở bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, UBND TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã khảo sát và tính toán xác định sơ bộ khối lượng vật liệu chính sử dụng cho dự án và các nguồn cung cấp (mỏ vật liệu trong khu vực) như: đá dăm, đá xây dựng, cát xây dựng... Theo kết quả điều tra sơ bộ, nhu cầu vật liệu của dự án cụ thể như sau: nhu cầu vật liệu đắp khoảng 7,1 triệu m3; nhu cầu đá dăm và đá xây dựng khoảng 2,1 triệu m3, cát xây dựng khoảng 0,5 triệu m3. Còn về trữ lượng các mỏ, cũng theo kết quả điều tra sơ bộ từ việc thu thập các tài liệu về dữ liệu mỏ trong khu vực thì khối lượng có thể khai thác như sau: vật liệu đắp khoảng 12,1 triệu m3; đá dăm và đá xây dựng khoảng 15,8 triệu m3, cát xây dựng khoảng 6,6 triệu m3. Như vậy, có thể đảm bảo cung cấp đủ nguồn vật liệu thông thường cho dự án. |
Phạm Tùng