Nhiều năm không có dự án xử lý nước thải đô thị

01-08-2024

Hiện tại, trên địa bàn Đồng Nai chưa có đô thị nào đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nước thải sinh hoạt xử lý đạt chuẩn. Việc này không những ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị của tỉnh, mà còn gia tăng áp lực ô nhiễm nguồn nước các sông, suối.

Phải đảm bảo hạ tầng cấp thoát nước mới có cơ hội gia tăng và nâng cấp đô thị, cải thiện mỹ quan, hướng đến đô thị xanh.

Chỉ 1/11 đô thị có dự án hoạt động 

Đồng Nai có 11 đô thị, trong đó có 2 thành phố, nhưng mới có một dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Biên Hòa hoạt động. Có 7 đô thị chưa có dự án. Có 4 đô thị (bao gồm thành phố Biên Hòa) có chủ trương đầu tư dự án nhưng quá trình triển khai chậm so với kế hoạch.

Trong số 4 dự án đã có chủ trương đầu tư thì quy mô lớn nhất là Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải công suất 39 ngàn m³/ngày tại thành phố Biên Hòa. Dự án này được tỉnh phê duyệt chủ trương từ năm 2017, tổng vốn đầu tư khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (JICA). Sau đó, vì một số lý do khách quan, hai bên đã thống nhất ngưng sử dụng nguồn vốn vay ODA. Dự án vẫn tiếp tục thực hiện nhưng chuyển sang dùng nguồn vốn ngân sách của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy và trạm bơm cơ bản hoàn thành.

Dự án thứ 2 là Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải công suất 11 ngàn m³/ngày tại thành phố Long Khánh. Giống với dự án trên, thời gian đầu đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (JICA), nhưng sau đó chuyển sang nguồn ngân sách tỉnh. Tháng 5-2024, UBND thành phố Long Khánh mới hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng.

Nghị quyết số 26/2022/NQ-UBTVQH15 ngày 21-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra yêu cầu tỷ lệ nước thải đô thị xử lý đạt chuẩn tối thiểu đối với: đô thị đặc biệt là 40%, đô thị loại I là 30%, đô thị loại II là 20%, đô thị loại III, IV là 15% và loại V là 10%. Đồng Nai hiện chưa có đô thị nào đáp ứng tỷ lệ này.

Các huyện còn lại có chủ trương đầu tư dự án xử lý nước thải sinh hoạt là Long Thành và Trảng Bom, nhưng chưa triển khai. Lý do là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, chưa có chính sách cũng như quy định về mức hỗ trợ từ ngân sách cho việc đấu nối nước thải từ hộ gia đình vào đường cống thu gom. Do chưa có mức hỗ trợ trên (có thể chiếm 30-50% tổng mức đầu tư) nên chưa tính toán được tổng mức đầu tư của mỗi dự án.

Tỷ lệ nước thải đô thị xử lý đạt chuẩn là tiêu chí bắt buộc khi xét công nhận, nâng cấp đô thị. Không những vậy, việc triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật này còn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, giúp cải thiện mỹ quan và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thế nhưng, từ năm 2019 đến nay, tỉnh không có dự án nào được triển khai. Cả 4 dự án xử lý nước thải tỉnh có chủ trương đầu tư đều chậm thực hiện so với kế hoạch.

Hiện một số dự án khu dân cư độc lập có đầu tư hệ thống thoát nước thải tách biệt với hệ thống thoát nước mưa nhưng do chưa có hệ thống thu gom và khu xử lý nước thải tập trung nên các hệ thống thoát nước thải chưa phát huy được hiệu quả.

Cần thiết triển khai các dự án

Việc thiếu, chậm triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị dẫn đến chưa đáp ứng tiêu chí hạ tầng, gia tăng áp lực về ô nhiễm nguồn nước các sông, suối.

Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng), thời gian qua, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt chậm vì các dự án này cần nguồn vốn đầu tư tương đối lớn (bình quân khoảng 100 triệu USD/dự án). Nguồn vốn vay ODA thì điều kiện và thủ tục khó, còn nguồn vốn ngân sách có hạn và đang ưu tiên phân bổ cho các công trình thiết yếu khác như: hạ tầng giao thông, thoát nước chống ngập.

Giải pháp đặt ra là UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn đến năm 2030 để đảm bảo triển khai 4 dự án đã có chủ trương đầu tư. Trước mắt là bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án thoát nước tại thành phố Biên Hòa sau khi JICA đã có văn bản chấp thuận ngừng sử dụng vốn vay ODA. Sở Xây dựng sẽ cùng với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ theo hướng bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ đấu nối vào tổng mức đầu tư để triển khai dự án tại 2 huyện Long Thành và Trảng Bom.

Đối với 7 đô thị còn lại chưa có chủ trương đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, tháng 4-2024, Sở Xây dựng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh giải pháp đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về thoát nước.

Hiện tại, tỉnh có 2 thành phố và 3 huyện đã xác định mục tiêu trở thành thành phố là: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Vì thế, việc ưu tiên lập và triển khai dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các địa phương này là rất cần thiết, phục vụ cho việc phát triển đô thị.

Cuối năm 2023, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND về các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chỉnh trang đô thị tại các đô thị Biên Hòa, Long Khánh và thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn đến năm 2025. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần làm ngay để chỉnh trang đô thị là đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, cấp nước sạch, thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt.

Lê An

Đóng