Vùng Đông Nam bộ được xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng sự hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối lâu nay chính là điểm nghẽn khiến cho sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối chuẩn bị được khởi động thực hiện mang đến kỳ vọng sẽ phá được thế 'co cụm' trong liên kết vùng; từ đó, tạo ra sự đột phá và là cú hích cho nền kinh tế.
Bài 1: Hàng loạt dự án chờ ngày khởi động
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện sau nhiều năm “nằm” trên quy hoạch. Các dự án này khi hoàn thành xây dựng sẽ đóng vai trò là những trục giao thông “xương sống” kết nối các địa phương trong vùng Đông Nam bộ.
* Xóa thế độc đạo của quốc lộ 51
Tháng 4-2013, dự án Xây dựng, mở rộng quốc lộ 51 chính thức hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Dự án do Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Từ thời điểm được chính thức đưa vào khai thác đến nay, quốc lộ 51 đã đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là giữa 4 tỉnh, thành thuộc “tứ giác” phát triển của vùng gồm: TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Gần 1 thập kỷ qua, quốc lộ 51 đã mang trên mình “sứ mệnh bất đắc dĩ” là tuyến đường kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh khác của vùng Đông Nam bộ.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, cùng với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ của vùng Đông Nam bộ, quốc lộ 51 đã và đang rơi vào tình trạng quá tải và xuống cấp.
Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc BVEC cho biết, theo công suất thiết kế ban đầu, quốc lộ 51 có công suất 12 ngàn lượt xe/ngày đêm, nhưng hiện tại tuyến đường này đang phải “gánh” hơn 35 ngàn lượt xe/ngày đêm. “Vào giờ cao điểm, phương tiện lưu thông trên tuyến tăng lên 48 ngàn lượt xe/ngày đêm, trong khi bình quân công suất hiện nay cũng đã vượt 3 lần công suất thiết kế. Chính vì vậy, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên tuyến quốc lộ 51” - ông Đinh Hồng Hà cho biết.
Để tăng cường khả năng kết nối giao thông của vùng Đông Nam bộ, từ năm 2008, Bộ GT-VT đã cho phép chuẩn bị đầu tư dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. 2 năm sau, Bộ GT-VT đã phê duyệt đề xuất dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trên cơ sở đó, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã thực hiện các bước chuẩn bị dự án đầu tư. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư dự án lớn, chưa thu xếp được nguồn vốn nên Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có văn bản xin rút, không tiếp tục nghiên cứu đầu tư. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào ngày 23-9-2021 được xem là dấu mốc quan trọng để “hồi sinh” dự án.
Đầu năm 2022, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ, Bộ GT-VT đã chính thức đề xuất thực hiện đầu tư công đối với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Đây được xem là bước ngoặt để đẩy nhanh quá trình “hiện thực hóa” quy hoạch của tuyến giao thông kết nối quan trọng bậc nhất của Vùng Đông Nam bộ. Bởi theo Bộ GT-VT, trong bối cảnh huy động nguồn vốn PPP gặp nhiều khó khăn, thời gian đấu thầu kéo dài thì việc chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ đảm bảo cho mục tiêu khởi công dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 vào năm 2023 và cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, quốc lộ 51 hiện đã thực sự trở nên quá tải. Do đó, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải nhanh chóng được thực hiện để giải quyết nhu cầu giao thông. Đặc biệt là khi dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 cũng sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025.
* “Khép kín” các tuyến đường vành đai
Cùng với các tuyến đường cao tốc, 2 tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM cũng được xác định là những trục giao thông kết nối quan trọng không chỉ của Vùng Đông Nam bộ mà còn của toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đường vành đai 3 và vành đai 4 - TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011. Mặc dù được quy hoạch từ lâu và các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư “khép kín” dự án Đường vành đai 3 và triển khai đường vành đai 4, nhưng hiện tiến độ thực hiện được cho là quá chậm, điều này đã ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương trong vùng.
Xác định tầm quan trọng của 2 tuyến đường vành đai trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra không gian phát triển mới, cuối năm 2021, lãnh đạo Chính phủ đã làm việc với các địa phương có các đoạn tuyến của 2 dự án đi qua về tình hình triển khai thực hiện các dự án thành phần. Mục tiêu được Chính phủ đề ra là phải thực hiện “khép kín” đường vành đai 3 - TP.HCM và hoàn thành một số đoạn tuyến của đường vành đai 4 - TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025.
Tháng 1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao UBND TP.HCM làm cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM. Gần 1 tháng sau, trên cơ sở tờ trình của UBND TP.HCM về nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất thực hiện đầu tư công đối với dự án.
Tháng 4-2022, Chính phủ đã có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 - TP.HCM để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Theo tờ trình này, việc xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường song hành thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM sẽ được tiến hành từ năm 2023-2026. Trong đó, thời gian dự kiến khởi công vào quý IV-2023, hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026 và quyết toán vào năm 2027.
Ngày 30-3-2022, trong công văn số 1941/VPCP-CN, Phó thủ tướng Chính phủ LÊ VĂN THÀNH yêu cầu Bộ GT-VT thống nhất với UBND TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các bộ liên quan về phương án đầu tư 2 dự án đường sắt kết nối sân bay Long Thành gồm: đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật. Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành đã được đưa vào quy hoạch chi tiết đuờng sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Theo đó, tuyến có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là sân bay Long Thành. Chiều dài toàn tuyến khoảng 38km. Trong khi đó, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom, điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư dự kiến của 2 dự án gần 100 ngàn tỷ đồng. Trước đó, vào cuối năm 2021, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai 2 dự án đường sắt kết nối sân bay Long Thành. Theo UBND tỉnh, việc giao tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án giúp địa phương chủ động trong quá trình kêu gọi đầu tư để sớm triển khai đưa vào khai thác kịp thời với thời gian vận hành của sân bay Long Thành vào năm 2025. |
Phạm Tùng - Hương Giang - Vi Lâm