Quy hoạch hàng ngàn ha đất cho dự án giao thông

18-02-2022

Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, các địa phương trong tỉnh dành gần 17,9 ngàn ha đất cho các dự án hạ tầng giao thông. Các tuyến đường được xây dựng, kết nối sẽ giúp cho kinh tế - xã hội của từng địa phương phát triển nhanh hơn.

 

Từ nay đến năm 2030, những địa phương trong tỉnh dành nhiều đất để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông là: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán.

* Dành cả ngàn ha đất cho giao thông

Đồng Nai sẽ ưu tiên quỹ đất, vốn để phát triển mạng lưới giao thông kết nối giữa các địa phương trong những năm tới. Ngoài nguồn vốn đầu tư công do Nhà nước phân bổ thì tỉnh sẽ khai thác thêm những khu đất có lợi thế để có ngân sách đầu tư nhiều tuyến đường. Trong những năm tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều dự án giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện, xã sẽ được xây dựng. Muốn thực hiện được các dự án giao thông buộc phải có quy hoạch sử dụng đất, vì đây là quy hoạch nền để căn cứ triển khai các quy hoạch ngành khác.

Huyện Long Thành là nơi dành nhiều diện tích đất nhất tỉnh cho phát triển hạ tầng giao thông với hơn 6,1 ngàn ha. Tiếp đến là H.Cẩm Mỹ quy hoạch 2,5 ngàn ha để làm các tuyến đường giao thông; H.Trảng Bom 2,45 ngàn ha; Nhơn Trạch 1,9 ngàn ha; Tân Phú 1,5 ngàn ha; Định Quán 1,5 ngàn ha; Xuân Lộc 1,25 ngàn ha…

Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho biết: “H.Tân Phú đã ưu tiên nhiều diện tích đất để triển khai các dự án giao thông của quốc gia, tỉnh, huyện, xã để tạo đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương và vùng. Riêng dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài qua huyện hơn 19km được quy hoạch gần 394ha để thực hiện. Ngoài ra, huyện dành nhiều quỹ đất để mở rộng quốc lộ 20, đường Tà Lài - Trà Cổ, đường 30-4, đường Phú Xuân Núi Tượng, đường 600B…”. Tính đến năm 2030, H.Tân Phú quy hoạch 848 dự án với diện tích gần 4,8 ngàn ha, trong đó có 359 dự án đường giao thông.

Theo Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu, đích tới của huyện đến năm 2030 sẽ lên thành phố. Tới đây, huyện sẽ trở thành khu vực có công nghiệp, đô thị phát triển nhanh, người dân từ các nơi về sinh sống và làm việc tăng cao, đầu tư các tuyến đường tạo thuận lợi cho lưu thông, phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, mở ra các tuyến đường cũng giúp cho huyện, tỉnh khai thác các khu đất có lợi thế để có vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khác.

* Khai thác tiềm năng từ đất

Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh, những khu vực được đầu tư mới, mở rộng các tuyến đường thương mại, dịch vụ, nông nghiệp thì khu vực đó sẽ phát triển. Đồng thời, đất đai ở dọc hai bên tuyến đường cũng tăng giá gấp nhiều lần so với trước khi có đường. Do đó, tỉnh đã quy hoạch các khu đất lợi thế ở những tuyến đường đầu tư mới hoặc nâng cấp, mở rộng để có vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay: “Các địa phương đều đưa các khu đất có lợi thế vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 để đấu giá tăng thêm nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Hệ thống giao thông phát triển giúp cho người dân phát triển nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Vì các tuyến đường giao thông kết nối thuận tiện cho vận chuyển nông sản, giá nông sản tăng lên”.

Trong gần 10 năm qua, Đồng Nai đã đấu giá đất được hơn 10 ngàn tỷ đồng, đặc biệt 3 năm trở lại đây, nhiều khu đất “vàng” đấu giá được trên 50 tỷ đồng/ha. Doanh nghiệp (DN) khi muốn đầu tư một số dự án tại Đồng Nai cũng thích đấu giá đất để có thể thực hiện nhanh. Vì các khu đất đưa ra đấu giá đều có quy hoạch chi tiết 1/500, quá trình triển khai dự án theo quy hoạch của khu đất khá thuận lợi, rút ngắn nhiều thời gian làm thủ tục đất đai, đầu tư. Vì thế, những năm gần đây, những khu đất từ 10ha trở lên đưa ra đấu giá có rất nhiều DN nộp hồ sơ tham gia. Dự kiến trong 9 năm tới, Đồng Nai sẽ có hàng trăm khu đất “vàng” được đấu giá để làm các khu dân cư, khu thương mại, giáo dục…

Khánh Minh

 

Đóng