Đồng Nai xây dựng tỉnh văn minh, hiện đại

24-09-2024

Tại buổi làm việc với Đồng Nai về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng của năm 2024 diễn ra ngày 24-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của Đồng Nai để đạt và vượt các mục tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2024.

Đồng Nai có nhiều lợi thế, là trung tâm đầu mối giao thông nên mục tiêu tỉnh đặt ra phải cao hơn, phải xây dựng tỉnh văn minh, hiện đại, có tốc độ phát triển cao, bền vững, thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

Nhiều kết quả nổi bật

Trong 9 tháng của năm 2024, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước khá ổn định… Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn phát triển ổn định.

Ước tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024 khoảng 43,7 ngàn tỷ đồng, đạt 78% dự toán tỉnh, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trong nước 9 tháng năm 2024 đạt hơn 42,1 ngàn tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Nhờ đó, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động. Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho trên 75 ngàn lượt người, đạt 95% kế hoạch năm, tăng hơn 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Định hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Đồng Nai ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế; phát huy vai trò, vị trí của Đồng Nai là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của vùng; khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, các tuyến đường bộ cao tốc.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, tỉnh cũng triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Đồng Nai là một trong các tỉnh, thành có đóng góp số thu ngân sách lớn nhất cả nước. Giai đoạn 2020-2025, dự kiến tổng thu ngân sách của tỉnh đạt trên 310 ngàn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 157 triệu đồng, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2020. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt trên 116,5 tỷ USD, tăng bình quân 6%/năm. Đồng Nai vẫn duy trì xuất siêu, trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của cả nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận xét, tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ của Đồng Nai đạt cao. Những động lực để tỉnh phát triển thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh tăng cao 12,6%. Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 15,6 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; giá trị xuất siêu đạt khoảng 4,3 tỷ USD. Đặc biệt, thu hút FDI của tỉnh có nhiều khởi sắc. Tin tưởng Đồng Nai tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, qua theo dõi, Đồng Nai triển khai tốt về lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong quản lý đất đai. Đặc biệt, thời gian gần đây, tỉnh đã khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn của quốc gia. Đồng Nai là một trong số những địa phương thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; có tỷ lệ làm sạch dữ liệu đất đai cao nhất toàn quốc, đạt hơn 91%.

Mong được tạo động lực phát triển

Theo tổng hợp kết quả phân bổ ngân sách năm 2024, Đồng Nai có tỷ lệ điều tiết, đóng góp về ngân sách trung ương cao với tổng thu ngân sách nhà nước đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chi ngân sách của tỉnh còn hạn chế, chi ngân sách/người dân hay nguồn ngân sách cho việc cung cấp phúc lợi công cho người dân của tỉnh hiện thấp nhất trong 18 tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách trung ương, thấp hơn mặt bằng chung của khu vực và cả nước. Tỉnh đã thực hiện rất tốt việc đầu tư xã hội vào các lĩnh vực trên, đầu tư công chỉ chiếm hơn 60%. Nếu Đồng Nai tiếp tục thu hút đầu tư xã hội thì áp lực lên người dân rất lớn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thay mặt cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai từ 50% lên khoảng 65% để đảm bảo nguồn lực cho tỉnh phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, trong trường hợp thu ngân sách của tỉnh vượt so với dự toán Thủ tướng giao, kiến nghị để lại cho địa phương số thu vượt để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ thêm, Đồng Nai đóng góp rất lớn vào ngân sách trung ương nhưng chăm lo cho con người, cho an sinh xã hội còn hạn chế. Hạ tầng đô thị, giao thông ở Đồng Nai thua các tỉnh, thành lân cận vì thiếu nguồn lực, việc này ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế.

Đồng Nai có quy mô kinh tế trong tốp đầu cả nước; dân số 3,3 triệu người, đứng thứ 5 cả nước; diện tích tự nhiên lớn; di dân cơ học nhiều nên áp lực xã hội rất lớn. Việc quản lý nhà nước về mọi mặt đời sống, xã hội như: giáo dục, y tế, an ninh - trật tự... khối lượng công việc nhiều, phức tạp. Tỉnh mong được chấp thuận giao cơ chế đặc thù được quyết định biên chế viên chức ngành giáo dục, y tế dựa trên nhu cầu thực tế, khả năng cân đối ngân sách tỉnh. Đồng thời, bổ sung biên chế cho các ngành: tòa án, viện kiểm sát và công an.  

Bình Nguyên

Đóng