Luật Đất đai năm 2013 đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong đó, quy định về tiền thuê đất công nghiệp có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc trả tiền thuê đất một lần hay hằng năm.
Vừa qua, trên các phương tiện truyền thông rộ lên 2 luồng ý kiến trái ngược nhau khiến nhiều doanh nghiệp (DN) băn khoăn, lo lắng. Trong đó, có luồng ý kiến cho rằng, Luật Đất đai nên sửa theo hướng quy định DN trả tiền thuê đất hằng năm; luồng ý kiến khác đề xuất tiếp tục duy trì cho DN có thể tự chọn trả tiền một lần hoặc hằng năm, tùy theo khả năng.
* Lo lắng Luật Đất đai “siết” lại
Hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang lo lắng, nếu Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung sẽ xây dựng theo hướng “siết” lại, bắt buộc DN thuê đất phải trả tiền hằng năm hoặc trả một lần. Nếu chọn một trong 2 cách trên đều gây ra khó khăn cho các DN đang thuê đất trong và ngoài các khu công nghiệp (KCN) và sẽ hạn chế DN phát triển các dự án. Bởi DN có điều kiện về tài chính sẽ chọn phương án trả tiền thuê đất một lần cho cả quá trình 50-70 năm để yên tâm đầu tư phát triển dự án, không lo giá đất biến động. Thế nhưng, với DN nhỏ và vừa, vốn ít lại muốn trả tiền thuê đất hằng năm, vì trả tiền thuê đất một lần DN sẽ thiếu vốn xây dựng nhà xưởng và mua máy móc.
Phó tổng giám đốc Công ty CP KCN Hố Nai (H.Trảng Bom) Lương Nhất Tân cho biết: “DN nước ngoài khi đầu tư vào các KCN thường chuẩn bị sẵn nguồn vốn cho việc thuê đất, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị nên họ thường chọn phương án trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Như vậy, quá trình đầu tư phát triển họ sẽ yên tâm không lo giá đất biến động. Đồng thời, thuê đất một lần, giấy chứng nhận có thể thế chấp ngân hàng vay vốn. DN có vốn đầu tư trong nước có nguồn vốn mỏng hay chọn thuê đất công nghiệp trả tiền hằng năm để bớt áp lực vốn đầu tư”. Do đó, theo ông Tân, Luật Đất đai sửa đổi nên duy trì 2 phương án trả tiền một lần và trả tiền hằng năm để DN tự chọn mức phù hợp với điều kiện của công ty. Như vậy, khi luật ban hành sẽ tạo điều kiện cho DN trong nước, nước ngoài phát triển và thu hút đầu tư vào các KCN cũng thuận lợi hơn.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí luyện kim ở KCN Biên Hòa 1 chia sẻ: “Tới đây, công ty sẽ phải di dời theo yêu cầu của tỉnh nên đang tìm nơi thuê khoảng 5-6ha để đặt nhà máy sản xuất mới. Cùng lúc, công ty sẽ lo khoản vốn lớn để thuê đất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc. Vì thế, sẽ chọn phương án trả tiền thuê đất hằng năm để giảm gánh nặng ban đầu”.
* Nên mở thêm cơ hội cho DN
Hậu dịch bệnh Covid-19, đa số DN từ nhỏ đến lớn đều gặp khó khăn, Chính phủ tìm mọi giải pháp tháo gỡ vướng mắc để phục hồi nền kinh tế. Nhiều chính sách mới được ban hành tạo điều kiện thông thoáng để DN hoạt động hiệu quả, đóng góp cho kinh tế. Do đó, từ các công ty hạ tầng, DN thứ cấp đang, sắp thuê đất trong KCN đều mong muốn Luật Đất đai sửa đổi nên mở ra cho DN nhiều lựa chọn trong thuê đất để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Vũ Văn Luyến, đại diện Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa - chủ đầu tư KCN An Phước (H.Long Thành) đánh giá, Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung theo hướng thông thoáng sẽ giúp DN có thêm cơ hội để đầu tư mới, mở rộng đầu tư. DN hoạt động hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Thực tế, các DN đều muốn trả tiền thuê đất một lần để không phải lo giá đất có thể bị điều chỉnh tăng hằng năm. Thuê đất trả tiền một lần cho nguyên quá trình thuê vài chục năm, DN có lợi thế là có thể mang giấy chứng nhận đất thế chấp ngân hàng để vay vốn. Trả tiền thuê đất công nghiệp hằng năm, DN phải chấp nhận là giấy chứng nhận đất đai sẽ không thế chấp vay vốn ngân hàng được. Ngoài ra, thuê đất trả tiền hằng năm còn chịu thêm rủi ro, giá đất hay điều chỉnh mỗi năm một tăng. Hầu hết DN đều mong giá thuê đất trong KCN sẽ giữ ổn định lâu dài và nên có nhiều phương án cho DN lựa chọn.
Một số chuyên gia cho rằng, trong Luật Đất đai sửa đổi nên mở ra các cơ hội, tạo thông thoáng cho DN hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, Luật Đất đai không nên đóng khung DN trả tiền thuê đất hằng năm hay một lần, sẽ cản trở phát triển. Luật có thể mở ra, DN có thể trả tiền thuê đất một lần nhưng chia thành 2-3 lần để trả, như vậy, DN vẫn có giấy chứng nhận đất đai dài hạn để vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Luật Đất đai sửa đổi vẫn đang được tỉnh lấy ý kiến người dân, DN, hiệp hội, sở, ngành, địa phương để tổng hợp về Bộ TN-MT. Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng đất thời gian qua sẽ được tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hương Giang