Từ nay đến năm 2025, Đồng Nai cần khoảng 27 ngàn tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGĐ). Tỉnh đã thành lập tổ công tác nhằm theo dõi chặt chẽ và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức ĐGĐ.
Đây là giải pháp để có nguồn vốn thực hiện các dự án hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đưa các khu đất vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
* Cố gắng thu 13-14 ngàn tỷ đồng trong năm nay
Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn và phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành, từ nay đến năm 2025, tỉnh cần khai thác khoảng 27 ngàn tỷ đồng từ ĐGĐ, tương đương 13-14 ngàn tỷ đồng/năm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, để đạt được mục tiêu trên trong điều kiện thị trường bất động sản còn khó khăn, thiếu đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể, nhiều khu đất chưa có quy hoạch chi tiết… là điều không đơn giản. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải nỗ lực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để đảm bảo các khu đất trong kế hoạch phê duyệt được đưa ra đấu giá.
Để đảm bảo tốt hơn cho công tác ĐGĐ, ngày 11-3 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức ký ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND thành lập tổ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tổ công tác có nhiệm vụ theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết kịp thời mọi vướng mắc phát sinh trong quá trình ĐGĐ. Cụ thể, tổ thực hiện lập danh mục thu hồi đất, xây dựng kế hoạch, tổ chức ĐGĐ; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các khu đất, thửa đất theo kế hoạch đấu giá; lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 hoặc quy hoạch chi tiết rút gọn…
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Thế Vinh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã tiến hành rà soát và đề xuất tỉnh 21 khu/thửa đất có thể đấu giá trong năm 2024 với tổng diện tích hơn 470 hécta, giá trị ước thu được gần 8,5 ngàn tỷ đồng; so với mục tiêu đặt ra thì chưa đạt. Tuy nhiên, tại cuộc họp vào đầu tháng 3 mới đây, một số địa phương đề xuất bổ sung thêm các khu đất; thành phố Biên Hòa đề xuất đưa 2-3 khu đất ra khỏi danh mục ĐGĐ năm 2024. Sở đang chờ các địa phương báo cáo lại để hoàn chỉnh kế hoạch, trình UBND tỉnh ban hành.
ĐGĐ không chỉ là giải pháp tạo vốn phát triển hạ tầng và kinh tế, xã hội, mà thông qua đấu giá, các khu đất được quy hoạch nhà ở, sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ sẽ sớm được đưa vào sử dụng, góp phần phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
* Chuẩn bị đủ điều kiện cho các khu đất đấu giá
Khoảng 3 năm trở lại đây, ĐGĐ của tỉnh và cấp huyện đạt kết quả khiêm tốn, bởi các vướng mắc kể trên. Thêm vào đó là sự tác động từ các yếu tố như: điều kiện hạ tầng và tiềm năng phát triển khu vực xung quanh, khu vực có đất đấu giá chưa có quy hoạch phân khu hoặc đang điều chỉnh quy hoạch chung, quy định của pháp luật về ĐGĐ và đầu tư các dự án có thay đổi dẫn đến phải làm lại thủ tục…
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Thế Vinh, để công tác ĐGĐ đảm bảo tính khả thi, tỉnh cần sớm phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng sớm cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, dự kiến tổng mức đầu tư dự án sau khi trúng đấu giá đối với các khu đất dự kiến đấu giá trong năm nay.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính thực hiện định giá tài sản tại khu đất: Nhà khách 71, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (cũ), Rạp hát Lido (đều thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa) trong tháng 3 này làm cơ sở tính giá khởi điểm khi đấu giá. Các huyện Long Thành, Thống Nhất và thành phố Biên Hòa trong quý II-2024 cần hoàn thành lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch chi tiết rút gọn đối với các khu đất đấu giá. UBND tỉnh sẽ làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai để nhận bàn giao mặt bằng các khu đất có trong kế hoạch ĐGĐ các năm trước, thống nhất chủ trương thu hồi đất các khu đất dự kiến thu hồi trong năm 2024 để tổ chức ĐGĐ trong năm 2025.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, để đảm bảo nguồn thu từ ĐGĐ trong năm nay và năm sau, trong quý I-2024, phải đăng thông báo đấu giá các khu đất năm trước chưa đấu giá thành công. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục cho các khu đất đã cơ bản đủ điều kiện, có lợi thế về diện tích và hạ tầng để đưa ra đấu giá.
Lãnh đạo UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường trong tháng 3 này hoàn chỉnh kế hoạch ĐGĐ năm 2024 trình UBND tỉnh ban hành. Kế hoạch phải thể hiện rõ trách nhiệm của từng đơn vị và tiến độ thực hiện các thủ tục, dự kiến thời gian đấu giá mỗi khu đất. Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ngành, địa phương và tổ công tác ĐGĐ của tỉnh để kịp thời tháo gỡ, xử lý vướng mắc phát sinh, 2 tuần/lần báo cáo tiến độ về UBND tỉnh.
Hoàng Lộc