Vướng thủ tục, công nghiệp Đồng Nai bỏ lỡ cả tỷ USD mỗi năm

24-10-2023

Từ năm 2019 đến nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đến Đồng Nai với dự tính thuê đất công nghiệp để đầu tư các nhà máy sản xuất lớn và sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Đa số các DN đều đánh giá cao về vị trí địa lý, tiềm năng, môi trường đầu tư của tỉnh. Thế nhưng, khi DN ngỏ ý muốn thuê diện tích lớn từ 5-10ha trở lên để xây dựng nhà máy sản xuất thì hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được.

Có một số tập đoàn nước ngoài chấp nhận đợi 1-2 năm để có thể thuê diện tích đất công nghiệp lớn ở Đồng Nai để triển khai dự án, bởi các DN thấy được tiềm năng của tỉnh là có sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng và năm 2026 sẽ đưa vào khai thác; các đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai 3… đang gấp rút thi công để đưa vào khai thác. Khi hạ tầng giao thông kết nối, Đồng Nai sẽ là trung tâm giao thông của vùng, đặt nhà máy ở tỉnh sẽ rất thuận lợi trong việc phân phối hàng hóa đi các tỉnh, thành và xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian đợi thuê đất quá dài nên nhiều DN đã phải “ngậm ngùi” chia tay Đồng Nai để tìm đến những địa phương lân cận như: Bình Dương, Long An, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, Đồng Nai đã mất đi cả tỷ USD mỗi năm.

Thực tế, từ gần 10 năm trước, Đồng Nai đã quy hoạch mới 3 KCN và mở rộng 5 KCN với diện tích khoảng 1,5 ngàn ha. Thế nhưng, vì vướng thủ tục, mặt bằng mà các KCN trên vẫn nằm trên giấy và chưa biết đến khi nào mới hoàn thành để tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đồng Nai đang tiếp tục bỏ lỡ nhiều dòng vốn ngoại đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… đầu tư vào công nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Đồng Nai đang mất đi cơ hội đón dòng vốn ngoại đang dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam để phát triển công nghiệp. Đồng thời, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Vấn đề hiện nay là những vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Do đó, những dự án liên quan đến đầu tư hạ tầng mới, mở rộng các KCN vẫn ì ạch, chưa biết khi nào sẽ giải quyết xong. Muốn đẩy nhanh việc đầu tư mới, mở rộng các KCN trên địa bàn tỉnh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh và các bộ, ngành để giải quyết nhanh các hồ sơ, thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng. Các KCN sớm được thành lập mới và mở rộng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho DN thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, với gần 5 ngàn ha đất trong KCN cho DN có vốn đầu tư nước ngoài thuê, mỗi năm Đồng Nai thu ngân sách xấp xỉ 1 tỷ USD (tương đương 24,5 ngàn tỷ đồng). Vì vậy, nếu các KCN mới, mở rộng nhanh chóng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, sẽ có gần 6 ngàn ha đất công nghiệp cho thuê. Với tiêu chí thu hút những dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao thì mỗi năm Đồng Nai có thể thu thêm trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn thúc đẩy các lĩnh vực khác như: thương mại dịch vụ, logistics phát triển theo.

Hương Giang

Đóng