Tứ giác kinh tế đẩy nhanh kết nối giao thông vùng

18-03-2023

Đầu tháng 3 vừa qua, chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong vùng tứ giác kinh tế gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc để thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã đưa ra các kiến nghị trong công tác phối hợp để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.

* Đề xuất các nút kết nối giao thông mới

4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong tứ giác kinh tế của vùng Đông Nam bộ. Việc kết nối giao thông giữa các địa phương mang ý nghĩa rất lớn đối với việc liên kết, kết nối giao thông của toàn vùng. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương cho biết, hiện các địa phương đang đề xuất các nút kết nối giao thông mới.

Cụ thể, đối với Đồng Nai, để kết nối với TP.HCM, 2 địa phương đang rà soát 3 vị trí kết nối mới gồm: cầu kết nối TP.Thủ Đức với H.Long Thành (tạm gọi là cầu Đồng Nai 2); cầu thay phà Cát Lái và cầu kết nối khu Nam TP.HCM với H.Nhơn Trạch (tạm gọi là cầu Phú Mỹ 2).

Trong kết nối giao thông giữa Đồng Nai và Bình Dương, 2 địa phương đã thống nhất sẽ bổ sung 4 vị trí cầu kết nối gồm: cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - An Lạc, cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2.

Riêng kết nối giữa TP.Biên Hòa và TP.Dĩ An, ngoài 5 vị trí kết nối hiện hữu, 2 đô thị này sẽ được bổ sung một điểm kết nối giữa đường D1, khu Đông Bắc Dĩ An và đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đi quốc lộ 1K.

Đối với các tuyến giao thông kết nối giữa Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, 2 địa phương đã rà soát, bổ sung 7 vị trí kết nối gồm 6 vị trí trên địa bàn H.Long Thành và 1 vị trí trên địa bàn H.Cẩm Mỹ. Tuy nhiên, một số vị trí chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất H.Cẩm Mỹ, cần điều chỉnh như tuyến đường huyện 24 kết nối qua địa phận Đồng Nai; kết nối tuyến đường tỉnh 995C đến tuyến đường tỉnh 770B… Để thống nhất, 2 địa phương sẽ có buổi làm việc cụ thể.

Đối với 2 địa phương TP.HCM và Bình Dương, có các tuyến giao thông kết nối đang được triển khai thực hiện gồm: đường vành đai 3 - TP.HCM (kết nối qua tỉnh Đồng Nai và tỉnh Long An); đường vành đai 4 - TP.HCM (kết nối qua tỉnh Đồng Nai); dự án Đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (kết nối qua tỉnh Bình Phước); dự án Đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM.

Cùng với đó, tỉnh Bình Dương đang phối hợp với Bộ GT-VT và các bộ, ngành liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phương án đầu tư tuyến đường sắt Bàu Bàng đến cảng Cái Mép - Thị Vải.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung ưu tiên cho các tuyến giao thông kết nối vùng như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường vành đai 4 - TP.HCM; tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

* Ưu tiên khép kín 2 tuyến đường vành đai

Đường vành đai 3 - TP.HCM và đường vành đai 4 - TP.HCM đóng vai trò hết sức quan trọng trong kết nối vùng Đông Nam bộ cũng như giải tỏa áp lực về giao thông cho đô thị lớn nhất vùng là TP.HCM. Chính vì vậy, các địa phương trong vùng đang hết sức tập trung để sớm hoàn thành xây dựng, khép kín 2 tuyến đường vành đai này.

Đối với đường vành đai 3 - TP.HCM, hiện các địa phương đều đã phê duyệt đầu tư các dự án thành phần đi qua địa bàn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Các địa phương có tuyến đường đi qua gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đều đang quyết tâm khởi công dự án trước ngày 30-6 tới theo như nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã cơ bản hoàn thành các nội dung theo đúng tiến độ, dự kiến tháng 6-2023 khởi công, năm 2025 cơ bản thông xe và năm 2026 hoàn thiện. Tuy nhiên, TP.HCM đang gặp khó khăn về vật liệu. Do đó, ông Phan Văn Mãi đề nghị các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với TP.HCM thực hiện khảo sát nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.

Cùng với đó, TP.HCM sẽ trao đổi, thống nhất với tỉnh Đồng Nai cùng kiến nghị Bộ GT-VT sớm nghiên cứu mở rộng dự án thành phần 1A của dự án Đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (dự án thành phần 1A), bảo đảm khai thác đồng bộ với toàn dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM...

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, bên cạnh triển khai thực hiện dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, hiện Đồng Nai chuẩn bị thực hiện đền bù giải tỏa tuyến đường vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa bàn. Đồng Nai xác định việc xây dựng công trình này là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, hạ tầng của Bình Dương được đầu tư phát triển nhanh hơn các tỉnh lân cận, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường vành đai 3 - TP.HCM, không gian đang phát triển nhanh đến đường vành đai 4 - TP.HCM. Theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương, vùng TP.HCM cần có thêm đường vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

                      Phạm Tùng

Đóng