Các địa phương vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp đẩy nhanh các dự án xây dựng đường cao tốc, đường vành đai để tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các dự án phát triển hạ tầng giao thông cũng là lĩnh vực được các địa phương trong vùng xác định là mục tiêu trọng tâm để phối hợp triển khai.
* Đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh
Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 76km kết nối các địa phương: Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Tuyến giao thông này không chỉ đóng vai trò liên kết nội vùng ĐNB, mà còn đảm đương vai trò kết nối vùng ĐNB với vùng Tây Nam Bộ.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các dự án thành phần của dự án cơ bản đáp ứng tiến độ.
“Các dự án thành phần của dự án đã được các địa phương đồng loạt khởi công trong tháng 6-2023” - ông Trần Quang Lâm cho biết.
Đến nay, sau hơn nửa năm khởi công, tiến độ các dự án thành phần của Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh qua địa bàn các tỉnh Long An, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đáp ứng tiến độ. Riêng dự án thành phần qua Đồng Nai bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương đã thống nhất nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải. |
Để thúc đẩy tiến độ dự án, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trong việc nghị các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về nguồn cát san lấp phục vụ thi công dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho hay, Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương thi công cơ bản đáp ứng tiến độ. Hiện nay, 3 gói thầu xây lắp của dự án đã được triển khai thi công, gói thầu còn lại chuẩn bị công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.
“Vấn đề nổi lên hiện nay là nguồn cát san lấp, các địa phương cần có sự phối hợp để điều phối nguồn cung đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án” - ông Võ Văn Minh cho biết.
Về phía Đồng Nai, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Quang Bình cho hay, Đồng Nai đã bàn giao được khoảng 40% diện tích mặt bằng để thi công Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh. Đồng Nai phấn đấu đến tháng 6-2024 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án.
Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, thời gian tới, các địa phương sẽ tập trung ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu là hoàn thành dự án vào năm 2025.
* Hoàn thiện sớm mạng lưới giao thông kết nối Sân bay Long Thành
Tại Hội nghị Trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng ĐNB lần thứ 4, quý I-2024 tổ chức tại huyện Nhơn Trạch mới đây, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, theo kế hoạch, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026. Do đó, Đồng Nai mong muốn có sự phối hợp của các địa phương trong vùng để hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối, bao gồm các tuyến đường vành đai, các tuyến đường cao tốc, đường sắt.
Đối với các tuyến đường bộ, bên cạnh Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 cũng đang được triển khai thực hiện. Cùng với đó, Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được tái khởi động, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài các dự án nói trên, trong quy hoạch, đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trục giao thông quan trọng phục vụ kết nối Sân bay Long Thành. Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 200km, đi qua địa bàn các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với dự án này, các địa phương cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Các địa phương có đoạn tuyến đi qua đã thống nhất sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét cho cơ chế đặc thù, đặc biệt là hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện dự án này.
“Mục tiêu đề ra là trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án trong năm 2024, thực hiện và hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2028” - Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết.
Phạm Tùng