Gần 2 năm qua, nhiều dự án khu dân cư (KDC) tại Đồng Nai phải tạm dừng do vướng các quy định về đất đai. Hàng loạt dự án không thể triển khai, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư và phát triển kinh tế tại địa phương.
Hiện nay, Đồng Nai cũng như một số tỉnh, thành khác trên cả nước phải tạm ngưng nhiều dự án KDC chưa tiến hành giao đất để Nhà nước thu hồi đất đấu giá. Tuy nhiên, nhiều dự án đang thu hồi đất dở dang mà chưa được Nhà nước giao đất sẽ bị ảnh hưởng, vì doanh nghiệp (DN) đã bỏ ra số tiền lớn cho công tác đền bù, quy hoạch và những chi phí khác.
* Hàng chục dự án nằm chờ
Theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai hơn 300 dự án KDC với diện tích gần 11 ngàn ha. Địa bàn quy hoạch nhiều dự án KDC là các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP.Biên Hòa.
Trong đó, có nhiều dự án KDC được chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2020 sang. Riêng trong năm 2022, tỉnh phê duyệt danh mục thu hồi đất cho khoảng 120 dự án KDC, nhưng nhiều dự án đang tạm dừng đợi Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai mới có thể tiếp tục triển khai.
Nếu những vướng mắc liên quan đến khu dân cư, khu đô thị sớm được tháo gỡ, các dự án trên địa bàn tỉnh triển khai nhanh hàng năm sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Dự án bất động sản triển khai thuận lợi cũng sẽ góp phần thúc đẩy một số lĩnh vực khác như: xây dựng, thương mại dịch vụ phát triển theo. |
Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết: “Trên địa bàn huyện đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án KDC, khu đô thị nhưng phải dừng lại. Vì theo yêu cầu của Trung ương, đất ở các dự án bất động sản Nhà nước chưa giao đất phải tiến hành thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi có những dự án DN đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cho công tác bồi thường, quy hoạch, như vậy phải tính toán hoàn lại cho DN như thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nhà đầu tư và tiến độ của dự án”.
Tại H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa, có hàng chục dự án đang trong tình trạng trên và DN đầu tư dự án như “ngồi trên lửa”. Nếu vướng mắc trên không được tháo gỡ sẽ có nhiều DN bị thua lỗ do đã đổ vào dự án số tiền lớn.
Đại diện một DN đang triển khai dự án khu đô thị tại xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) than thở: “Công ty đã đổ vào dự án khu đô thị tại xã Đại Phước cả ngàn tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện vài hạng mục, số tiền trên phần lớn vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, dự án chưa được Nhà nước giao đất nên phải chờ không thể triển khai tiếp. Hiện DN đang rất lo lắng, vì đất dự án đưa ra đấu giá liệu công ty có trúng đấu giá quyền sử dụng đất hay không; số tiền đã bỏ ra đầu tư dự án và một số hạng mục sẽ được tính toán như thế nào khi không trúng đấu giá”.
* Đề xuất giải pháp tháo gỡ
Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành trên cả nước, nhiều địa phương đã đề xuất Chính phủ sớm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án KDC, khu đô thị để bớt gây ảnh hưởng cho DN. Dự án chậm triển khai cả nhà đầu tư lẫn địa phương đều chịu tác động xấu, nhất là trong hoàn cảnh DN vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang trên đà phục hồi.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ: “Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của người dân khá lớn, Chính phủ nên có giải pháp khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản để các DN có thể triển khai dự án và người dân có thể mua nhà. Đồng thời, những vướng mắc khác liên quan đến đất đai cần tháo gỡ cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án. Bất động sản ngoài đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở cho nhiều người dân trên địa bàn còn là lĩnh vực đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước”.
Tại Đồng Nai, hiện Sở TN-MT tham mưu cho UBND tỉnh xử lý các dự án dân cư, trong đó phân loại xử lý theo từng thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư. Với những dự án chưa được giao đất sẽ ngưng triển khai và Nhà nước thu hồi đất để đấu giá. Tuy nhiên, rất nhiều dự án đang thu hồi đất dở dang mà chưa được Nhà nước giao đất sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại cho nhà đầu tư do tiền đền bù dự án cũng như các chi phí cho các thủ tục quy hoạch xây dựng đều đã được chủ đầu tư bỏ ra. Vì vậy, xử lý thỏa đáng như thế nào cho nhà đầu tư trong trường hợp này hiện vẫn chưa có hướng giải quyết.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai đã đề xuất Chính phủ sớm có hướng dẫn chi tiết cho việc xử lý những dự án trên để bớt ảnh hưởng đến DN. Vì nhà đầu tư đã đổ vào dự án từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng nên dự án kéo dài ngày nào thì thiệt hại cho DN càng lớn. Bên cạnh đó, địa phương cũng không thể thực hiện các dự án theo đúng tiến độ đã quy hoạch.
Ngoài ra, hàng loạt dự án khác cũng đang bị chậm lại vì những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành đang là “rào cản” các DN trong tiếp cận đất đai như: chưa có tiêu chí cụ thể khi xem xét, thẩm định nhu cầu sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất; khó khăn khi chuyển mục đích của dự án đầu tư kinh doanh bất động sản; Nhà nước cho thuê đất thông qua đấu giá; những vấn đề phát sinh khi tiến hành đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư…
Khánh Minh