Thị trường đất đai Nhơn Trạch bớt 'sốt'

14-04-2022

Trước đây, vào dịp cuối tuần, người dân các nơi đổ về H.Nhơn Trạch tìm mua đất nền dự án, đất nông nghiệp chia sào nhộn nhịp. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến nay, các sàn giao dịch bất động sản (BĐS), những điểm mua bán nhà, đất vắng hẳn, nhiều điểm phải đóng cửa vì không có khách hàng.

Sau hơn 4 năm liên tục tăng, từ giữa năm 2021 giá đất tại H.Nhơn Trạch bắt đầu chững lại cho đến nay. Lượng người mua bán rất ít vì giá nhà đất tại H.Nhơn Trạch đã bị đẩy lên rất cao, người mua “lướt sóng” lời ít nên đã tìm những nơi khác để đầu tư.

* Giá nhà đất vẫn cao

Khảo sát tại một số xã của H.Nhơn Trạch như: Phú Hữu, Đại Phước, Long Tân, Phú Hội, Long Thọ, Phước An… cho thấy, giá đất nền dự án, đất phân sào hiện vẫn cao hơn vài năm trước từ 50-250%. Dù gần 1 năm nay lượng người mua bán đất trên địa bàn huyện ít hẳn, nhưng vì những người mua sau giá đã cao ngất ngưởng nên giá bán ra vẫn không giảm.

Anh Trần Công Sinh (ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Đầu năm 2021, tôi mua lô đất nền khoảng 100m2 tại dự án gần trung tâm H.Nhơn Trạch với giá 2,8 tỷ đồng. Dự tính sau một thời gian giá đất lên cao sẽ bán lại kiếm lời, nhưng sau đó dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đất nền khu vực Nhơn Trạch rất khó bán. Tôi đã gửi ở nhiều sàn giao dịch bất động sản, có người hỏi mua nhưng đều trả thấp hơn giá tôi mua vào nên đành phải để đó chờ”. Cũng theo anh Sinh, số tiền bỏ ra đầu tư đất nền chỉ 30% là vốn anh có sẵn, còn lại vay từ ngân hàng nên giờ lô đất này anh phải bán được 3 tỷ đồng mới huề vốn.

Đất sào tại H.Nhơn Trạch hiện không còn hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vì giá quá cao, không còn dư địa cho nhà đầu tư “lướt sóng”. Do đó, những người “ôm” đất sau đang khốn đốn vì khó tìm người mua.

Bà Lê Thanh Mai, chủ điểm kinh doanh BĐS Hoàng Mai tại xã Phú Hữu cho hay: “Tùy theo từng vị trí, hiện đất nông nghiệp chia sào ở khu vực các xã Phú Hữu, Đại Phước từ 1,5-4 tỷ đồng/sào (1 ngàn m2). Hiện có nhiều người mua đất sào đầu tư đang gửi bán tại sàn của tôi, nhưng rất khó tìm người mua. Dù đất khó bán nhưng đa số chủ đất không chịu giảm giá vì vẫn hy vọng một số công trình hạ tầng giao thông được đầu tư sẽ giúp đất đai H.Nhơn Trạch sôi động trở lại”. 

* Hết thời mua “lướt sóng”?

Từ năm 2017-2020, thông tin về việc xây dựng cầu Cát Lái, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 đã đẩy giá đất H.Nhơn Trạch liên tục tăng cao. Đất nền dự án, đất nông nghiệp được mua đi, bán lại liên tục, có không ít người đầu tư lướt sóng đã lời tiền tỷ trong thời gian 2-3 tuần. Theo đó, rất nhiều khu vực ở H.Nhơn Trạch “cò đất” đã mua đất nông nghiệp phân từng sào chào bán khắp nơi. Những người mua đất sào, đất nền giai đoạn đầu đa số bán lại sẽ có lời, song những người mua sau giá đã bị đẩy lên rất cao, bán lại rất khó.

Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương cho biết: “Giá đất ở H.Nhơn Trạch bị đẩy lên rất cao làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ của nhiều công trình, dự án đang triển khai. Vì khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, người dân thường yêu cầu giá bồi thường cao gần bằng giá giao dịch ngoài thị trường. Trong khi giá đất ngoài thị trường đã bị thổi cao hơn nhiều so với giá trị thực”. Do đó, các địa phương tại Đồng Nai khi thấy giá đất tăng cao sẽ lo lắng nhiều hơn vì các dự án phải thu hồi đất sẽ bị chậm lại do người dân không đồng thuận với giá nhà Nước bồi thường.

Hiện nay, đầu tư đất nông nghiệp phân từng sào ở H.Nhơn Trạch cũng như các địa phương khác ở Đồng Nai rủi ro rất lớn. Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, H.Nhơn Trạch sẽ triển khai hơn 500 dự án trên các lĩnh vực, hầu hết các dự án đều phải thu hồi đất của người dân và trong đó có nhiều diện tích đất nông nghiệp. Người mua đất nông nghiệp đầu tư nếu bị quy hoạch triển khai các công trình, dự án sẽ rất khó chuyển nhượng và cầm chắc thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) kể: “Gia đình tôi có hơn 2 sào đất nông nghiệp trồng cây hằng năm. 3 năm trước, người ta trả hơn 5 tỷ đồng nhưng tôi không bán, giờ quy hoạch thực hiện dự án khu dân cư muốn bán mà không có ai mua”.

Tìm hiểu tại các huyện: Long Thành, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất và TP.Long Khánh…, đất nông nghiệp chia sào hiện người bán nhiều hơn người mua và giá cũng bị đẩy lên từ 8-30 tỷ đồng/ha.

Khánh Minh

Đóng