Nhiều năm qua, Chính phủ, bộ, ngành liên quan và Đồng Nai luôn quan tâm phát triển hạ tầng giao thông cho tỉnh. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của tỉnh hiện vẫn phát triển chưa theo kịp sự gia tăng nhanh của các phương tiện giao thông trên địa bàn, cũng như lưu lượng xe cộ đông đúc từ các tỉnh, thành đi qua Đồng Nai.
Do đó, hạ tầng giao thông của Đồng Nai vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến việc kết nối vùng. Nổi lên là tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe vào giờ cao điểm trong ngày, dịp cuối tuần, lễ, Tết. Nhất là những tuyến đường cao tốc, quốc lộ trọng điểm, tuyến đường cửa ngõ kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp.
Cùng với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hàng loạt dự án giao thông lớn đang và sắp được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh… Ngoài ra, nhiều dự án giao thông khác do Đồng Nai thực hiện cũng đang được triển khai.
Tuy nhiên, một số dự án giao thông qua địa bàn tỉnh còn chậm so với tiến độ, trong đó có các tuyến giao thông kết nối như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành…, đa phần vướng bồi thường thu hồi đất và tái định cư.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra cho nhiệm kỳ 2020-2025 là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ này, Đồng Nai cần tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông kết nối; quyết liệt hơn nữa trong khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là khâu áp giá bồi thường, quản lý các dự án tái định cư…
Ngoài ra, những bất cập trong tổ chức, phân luồng giao thông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Vấn đề này các ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Ngoài rà soát, ghi nhận bất cập để chỉnh sửa kịp thời, còn tham khảo, lấy ý kiến các chuyên gia trên lĩnh vực giao thông để tổ chức, phân luồng giao thông khoa học, hợp lý hơn đối với những nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài, có tình hình giao thông phức tạp.
Việc lực lượng chức năng chủ động phân luồng, hướng dẫn giao thông tại những tuyến đường, nút giao cửa ngõ hoặc ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo ùn tắc giao thông trên các tuyến đường để các phương tiện chủ động tìm hướng đi khác cũng là những giải pháp quan trọng góp phần “gỡ nghẽn” giao thông qua Đồng Nai.
Việc triển khai các giải pháp đồng bộ nêu trên sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề kết nối giao thông giữa Đồng Nai với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; góp phần tạo động lực mới để tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
Đặng Ngọc