Tăng kết nối hạ tầng giao thông nội vùng

04-06-2022

Đường vành đai 3 - TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ “khơi thông” các tiềm năng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Đây là 2 trong 5 dự án giao thông quan trọng sẽ được xem xét chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

* Cấp bách và cần thiết

Vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, thành: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và TP.HCM. Đây là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, trong đó 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Mặc dù vậy, vùng Đông Nam bộ đang có điểm nghẽn do sự phát triển của hệ thống giao thông - vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu. Điểm nghẽn về kết nối, cơ sở hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ khiến chi phí logistics tăng cao, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị trong vùng đã được cảnh báo từ lâu nhưng mức độ chuyển biến những năm qua là chưa tương xứng với kỳ vọng.

Dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua địa bàn 4 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 11km. Dự án sẽ được thực hiện bằng hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 75 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 38,7 ngàn tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 36,6 ngàn tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, UBND TP.HCM cũng kiến nghị hỗ trợ 50% vốn đầu tư đối với các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 75% đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Long An.

Chính vì vậy, việc đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, đặc biệt là các tuyến đường vành đai 3 - TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cần thiết và cấp bách.

Trong chuyến khảo sát thực tế dự án Đường vành đai 3 vào ngày 19-5 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 - TP.HCM là “hết sức cần thiết và cấp bách”.

Theo UBND TP.HCM, hiện nay các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến quốc lộ hướng tâm như quốc lộ 22, quốc lộ 13, quốc lộ 1 đều đã quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của thành phố. Thời gian tới, khi Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 với công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm (dự kiến khai thác vào năm 2025), sân bay Tân Sơn Nhất được đầu tư nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của TP.HCM cũng như các địa phương trong vùng sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ về ùn tắc giao thông sẽ càng tăng cao.  

Do đó, việc đầu tư các tuyến đường vành đai, trong đó có đường vành đai 3 -TP.HCM cần được ưu tiên đặc biệt để cải thiện tình trạng giao thông của TP.HCM cũng như kết nối với các tỉnh lân cận trong vùng Đông Nam bộ.

Tương tự, việc đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được đánh giá ở mức độ rất cần thiết và cấp bách. 

Trên thực tế, với lưu lượng xe lưu thông đã vượt gấp 3 lần công suất thiết kế, quốc lộ 51, tuyến giao thông chính kết nối 3 địa phương trong vùng Đông Nam bộ gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM đã rơi vào tình trạng quá tải từ lâu. Quốc lộ 51 cũng là tuyến đường có tần suất xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe cao nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa X vào ngày 24-5 vừa qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cũng cho rằng, quốc lộ 51 hiện đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

* Khơi thông tiềm năng phát triển

Theo UBND TP.HCM, các dự án đường vành đai TP.HCM trong đó có dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của thành phố. Đồng thời, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đường cao tốc, quốc lộ hướng tâm, hình thành mạng lưới giao thông chiến lược cho cả vùng.

Theo tờ trình của Chính phủ, đường cao tốc Biên Hòa  -  Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 34km. Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư xây dựng với quy mô 4-6 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần quy mô 6-8 làn xe theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 18 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công gồm: nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công; vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Chính phủ cũng đề xuất chia dự án thành 3 dự án thành phần.

Dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM cũng sẽ mở rộng không gian phát triển các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, dịch vụ logistics dọc hai bên tuyến đường tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế của TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.

Tuyến đường này còn được kỳ vọng sẽ đóng góp vai trò trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, giải quyết nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng và góp phần phân bố lại mật độ dân cư. Đồng thời, giảm lưu lượng các phương tiện đi qua các khu vực đô thị đông dân cư, từ đó giảm thiểu tác động môi trường về khí thải, tiếng ồn, nâng cao chất lượng môi trường đô thị.

Với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa X, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng quốc gia, nếu được đầu tư xây dựng sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn, mở ra con đường huyết mạch góp phần mở rộng không gian phát triển cho tỉnh Đồng Nai. Tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đặc biệt là khi kết hợp với sân bay Long Thành, kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành.

Phạm Tùng

Đóng