Dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh nên tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị của Biên Hòa hiện chưa đạt tiêu chí của đô thị loại I.
Chính vì vậy, trong Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, thành phố sẽ lựa chọn các quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông.
Quỹ đất giao thông còn hạn chế
Thành phố Biên Hòa là đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước hiện nay với khoảng 1,3 triệu người. Chính vì vậy, nhu cầu về đất ở của người dân rất lớn, trong bối cảnh đó, quỹ đất dành để phát triển hạ tầng giao thông của đô thị Biên Hòa hiện chưa đáp ứng nhu cầu.
PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), đánh giá Biên Hòa là đô thị loại I với dân số khoảng 1,3 triệu người, lại có lịch sử phát triển lâu đời; đồng thời, có vị trí nằm trong vùng cực kỳ sôi động, kinh tế phát triển. Tuy nhiên, công bằng đánh giá, đô thị Biên Hòa có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hầu như không được quan tâm đúng với vai trò, vị thế.
“Trừ cấp nước khá khả quan khi có hệ thống các nhà máy nước với nguồn nước dồi dào, mạng lưới đường ống phân bổ khá đều, còn lại mạng lưới giao thông đô thị với mắt cắt nhỏ bé, khả năng lưu thông hạn chế. Tỷ lệ đất dành cho giao thông quá thấp” - ông Tiến đánh giá.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, nhiều tuyến giao thông trục chính, đường xuyên tâm và các tuyến đường cửa ngõ của thành phố Biên Hòa hiện nay quá nhỏ hẹp, trong khi mật độ phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này ngày càng lớn nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe.
“Đây chính là một trong những điểm nghẽn khiến cho khu vực trung tâm của thành phố Biên Hòa không phát triển được” - ông Hà cho hay.
Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Phong An cho biết, thành phố Biên Hòa hiện còn 8 chỉ tiêu chưa đạt so với các tiêu chí của đô thị loại I, trong đó có 2 tiêu chí về mật độ đường trong khu vực nội thị và tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng.
“Chỉ tiêu mật độ đường trong khu vực nội thị theo tiêu chuẩn phải đạt từ 8-10km/km2, nhưng mật độ đường giao thông đối với các tuyến có mặt đường xe chạy từ 14m trở lên của đô thị Biên Hòa chỉ đạt 0,98km/km2. Còn chỉ tiêu tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng theo tiêu chuẩn phải đạt từ 16-24% so với đất xây dựng đô thị thì đô thị Biên Hòa hiện nay, đất giao thông đối với các tuyến có mặt đường xe chạy từ 14m trở lên mới đạt 1,88%” - ông Nguyễn Phong An cho biết.
Trong Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn đã đề xuất phát triển 3 tuyến đại lộ có quy mô mặt cắt ngang lớn nhằm tạo dựng các trục kết nối quan trọng giữa các khu chức năng trọng điểm của phố Biên Hòa và các khu vực lân cận gồm: đại lộ Nguyễn Ái Quốc sẽ mở rộng với 10 làn xe (6 làn chính và 4 làn đường gom), lộ giới tuyến đường 55m; đại lộ Bắc Nam có điểm đầu tuyến tại đường Nguyễn Ái Quốc đi theo trục đường trung tâm hành chính đến quốc lộ 1 theo tuyến đường tỉnh 771 kết nối huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch có bề rộng 10 làn xe (6 làn chính và 4 làn đường gom), lộ giới đường từ 60-70m và đại lộ Đông Tây là tuyến quy hoạch mới đi song song với quốc lộ 1, kết nối các đô thị thành phố Thủ Đức, thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom, có quy mô: 8-10 làn xe, lộ giới 45-60m.
Lựa chọn quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông
Theo ông Nguyễn Phong An, khó khăn đối với thành phố Biên Hòa trong việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu của đô thị loại I còn lại, trong đó có các chỉ tiêu về mật độ đường trong khu vực nội thị và tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng, phần lớn nằm ở nguồn lực đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn.
Đối với các chỉ tiêu có sử dụng đất trong đô thị, đòi hỏi việc lồng ghép lựa chọn quỹ đất để bổ sung vào quy hoạch đô thị là cấp thiết và mang tính khả thi cao. Do đó, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung lần này, thành phố Biên Hòa sẽ lựa chọn các quỹ đất cụ thể và đảm bảo đồng bộ các cấp độ quy hoạch để triển khai dự án về sau. Từ đó, thực hiện hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I, trong đó có các tiêu chí về mật độ đường, tỷ lệ đường trong khu vực nội thị.
Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố Biên Hòa kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực, bổ sung nguồn vốn đầu tư công, khơi thông các nguồn vốn hợp pháp khác… để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đặc điểm của các đô thị cũ, trong đó có đô thị Biên Hòa, là “đường nhỏ, nhà thấp”. Do đó, đối với giải pháp phát triển giao thông đô thị, cần tính đến giải pháp phát triển đô thị mới thay vì cứ phải chen chúc vào khu vực đô thị cũ để rồi phải giải tỏa, di dời để làm đường.
“Tôi thiên về hướng chọn quỹ đất để phát triển đô thị mới. Đô thị mới bản chất hoàn toàn khác là có đường rộng, nhà cao tầng, có những mảng xanh rất lớn và giao thông công cộng tốt. 2 hình thái đô thị khác nhau này, không bắt buộc phải áp đặt đô thị hiện đại vào đô thị cũ, bởi đó là 2 lối sống khác nhau và nó đem lại sự giàu có về bản sắc cho địa phương” - ông Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.
Đối với các khu đô thị hiện hữu, ông Sơn cho rằng, cần cố gắng chỉnh trang để ít nhất về mặt giao thông xe cứu hỏa, xe cứu thương phải vào được để phục vụ cho người dân.
Phạm Tùng