Cuối năm 2022, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó đề ra mục tiêu nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất (gọi tắt đấu giá đất) là 45 ngàn tỷ đồng. Đã qua 2/3 chặng đường nhưng việc tổ chức đấu giá đất vẫn rất khó khăn.
Đây là thực trạng chung của nhiều địa phương, không riêng ở Đồng Nai.
Mục tiêu đấu giá đất đạt 45 ngàn tỷ đồng
Ngày 21-5-2022, Sở Tài Nguyên và môi trường có Văn bản số 3350/STNMT-TTPTQĐ báo cáo UBND tỉnh về việc khái toán và ước tính số tiền thu từ đấu giá đất năm 2022 và các năm tiếp theo. Tại văn bản này, quỹ đất được sở đề xuất tổ chức đấu giá là 44 khu, diện tích 1.133 hécta, ước tính giá trị thu được khoảng 29,7 ngàn tỷ đồng.
Chỉ 2 ngày sau đó, Sở Tài Nguyên và môi trường có Văn bản số 3368/STNMT-TTPTQĐ gửi Sở Kế hoạch và đầu tư về khái toán và ước tính số tiền thu từ đấu giá đất năm 2022 và các năm tiếp theo. Tại văn bản này, số khu đất, diện tích và giá trị ước thu đều tăng. Cụ thể, quỹ đất đề xuất tổ chức đấu giá là 51 khu, diện tích 1.980 hécta, ước tính tổng giá trị khoảng 45,6 ngàn tỷ đồng.
Năm 2022, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết với mục tiêu đấu giá đất 45 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025. Đến nay, thu từ đấu giá đất mới đạt hơn 5,6 ngàn tỷ đồng.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường, báo cáo của UBND tỉnh, cuối năm 2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (đợt 2) với dự kiến nguồn thu từ đấu giá đất là 45 ngàn tỷ đồng.
Sau khi nghị quyết được ban hành, mỗi năm UBND tỉnh đều có kế hoạch tổ chức đấu giá đất, nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn. Cụ thể, đến hết năm 2022, nguồn thu từ đấu giá đất của tỉnh là hơn 5,6 ngàn tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh có kế hoạch tổ chức đấu giá 3 khu đất, ước tính giá trị khoảng 640 tỷ đồng, nhưng hết năm không có khu đất nào đấu giá thành công. Năm nay, tỉnh có kế hoạch đấu giá 18 khu đất, đã qua 9 tháng mà chưa có khu đất nào đấu giá thành công.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Thế Vinh chia sẻ, thời gian qua, việc tổ chức đấu giá tài sản nói chung và đấu giá đất nói riêng gặp nhiều khó khăn. Về pháp lý, vướng mắc liên quan đến áp dụng Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các quy định về đấu giá đất theo Luật Đất đai năm 2013 thay đổi liên tục. Về mặt bằng, các khu đất đấu giá có giá trị cao phần lớn là đất cao su, việc đàm phán chính sách hỗ trợ mất nhiều thời gian, phía đơn vị sử dụng đất chậm thanh lý cây cao su để bàn giao đất sạch. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để đảm bảo pháp lý cho khu đất đưa ra đấu giá mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục quy hoạch chi tiết 1/500, thanh lý tài sản còn lại trên đất, không có đơn vị tư vấn giá đất để làm cơ sở xác định giá khởi điểm…
Làm sao để bán được đất?
Đấu giá đất là giải pháp tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế. Cũng thông qua đấu giá đất sẽ góp phần thúc đẩy hình thành các khu dân cư, khu đô thị, khu chức năng theo quy hoạch, từ đó phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
Đối với Đồng Nai, nguồn thu từ đấu giá đất là nguồn lực quan trọng để thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn, nhất là các dự án giao thông kết nối với sân bay, cảng biển và các tuyến đường cao tốc, đường vành đai qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, đấu giá đất ở tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài các lý do đã nêu ở trên thì sự khủng hoảng của thị trường bất động sản cũng là yếu tố khiến việc đấu giá đất tại tỉnh và nhiều địa phương gần như đình trệ.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Chu Tiến Dũng cho hay, theo kế hoạch điều chỉnh nguồn thu từ đấu giá đất thì từ năm 2023-2025, tỉnh cần khai thác khoảng 27 ngàn tỷ đồng từ đất. Tuy nhiên, 2 năm nay, có thửa đất đã đăng thông báo đấu giá đến lần thứ 3 vẫn không có người đăng ký tham gia.
Hiện tại, Tổ công tác đấu giá đất của tỉnh đang tập trung hoàn tất các thủ tục liên quan để đấu giá các khu “đất vàng” tại thành phố Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành. Một số giải pháp được ưu tiên là các địa phương có đất đấu giá phối hợp chặt chẽ với Tổ Công tác đấu giá đất của tỉnh nhanh chóng hoàn tất các thủ tục: quy hoạch chi tiết khu đất, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, thanh lý tài sản trên đất. Song song đó, Sở Tài nguyên và môi trường thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất để làm cơ sở xác định giá khởi điểm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, tiến độ thực hiện đấu giá các khu đất đang rất chậm và làm ảnh hưởng đến nguồn vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh, nguồn vốn đối ứng của tỉnh với các dự án của trung ương thực hiện trên địa bàn. Sở Tài nguyên và môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân công để các khu đất đã có trong kế hoạch sớm được đưa ra đấu giá.
Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đấu giá 2 khu đất diện tích hơn 36 hécta và hơn 77 hécta tại xã Long Đức (huyện Long Thành). Những khu đất này nằm ngay cửa ngõ huyện, diện tích lớn, giá trị ước thu về cao.
Lê An