Nhiều lo ngại ảnh hưởng đến Khu Dự trữ sinh quyển thế giới khi xây cầu Mã Đà

09-04-2022

Tỉnh Bình Phước đã đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường tỉnh 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối với tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, đề xuất này, đặc biệt là việc xây dựng cầu Mã Đà lại làm dấy lên lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) vốn đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2011.

* Đi ngược định hướng bảo vệ Khu bảo tồn

Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà dự kiến có chiều rộng mặt cầu 11m, dài 90m, bắc qua sông Mã Đà. Công trình nằm trong dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 753. Công trình khi hoàn thành xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách từ tỉnh Bình Phước đi cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành hơn 60km so với hiện tại. Cũng theo đề xuất của tỉnh Bình Phước, sau khi xây cầu Mã Đà, tuyến đường tỉnh 753 sẽ kết nối với đường tỉnh 761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu bảo tồn đến quốc lộ 1 (H.Trảng Bom).

Với đề xuất này, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa.

Trong báo cáo về dự án Xây dựng cầu trên tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (tỉnh Đồng Nai) và Đồng Xoài - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) của Khu bảo tồn gửi UBND tỉnh vào tháng 1-2022, Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, năm 2004, Khu bảo tồn được thành lập, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam. Khu bảo tồn thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5 - lưu vực sông Đồng Nai - WWF, 2001) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”. Là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF 2003-2004).

Nhiều năm qua, Đồng Nai đã tập trung bảo vệ diện tích rừng hiện còn, trồng thêm rừng mới đồng thời thực hiện một số giải pháp lâm sinh để làm giàu rừng. Năm 2011, Khu bảo tồn cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Từ thực tế đó, Khu bảo tồn cho rằng, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ tạo ra tuyến đường gần 40km đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng do Khu bảo tồn đang quản lý. Cùng với đó, việc người dân tự ý lưu thông trên đường rừng sẽ gây khó khăn về phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Trên địa bàn do Khu bảo tồn quản lý có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia nên việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng.

Cũng theo đánh giá của Khu bảo tồn, việc xây dựng cầu Mã Đà trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với đề án Bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Khu bảo tồn đã được UBND tỉnh phê duyệt vào các năm 2016 và 2021. “Cả 2 đề án này đều nêu rõ mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa” - báo cáo của Khu bảo tồn khẳng định.

Với những đánh giá như trên, Khu bảo tồn cho rằng, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ đi ngược lại định hướng chung bảo vệ Khu bảo tồn là hạn chế dân cư lưu thông xuyên qua rừng nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

* Thực hiện phương án kết nối giao thông theo quy hoạch

Bày tỏ chung quan điểm lo ngại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đề xuất xây dựng cầu Mã Đà, trong văn bản gửi các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Đồng Nai vào đầu năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) GS-TS Nguyễn Hoàng Trí nêu rõ, việc xây đường, cầu Mã Đà sẽ hình thành tuyến đường đi qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận năm 2011, gây chia cắt hệ sinh thái, mất liên kết hành lang đa dạng sinh học, suy thoái môi trường, vi phạm Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, kế hoạch Hành động Lima 2016-2025, tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng 929 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu.

Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyền thế giới, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Do đó, MABVN đề nghị dừng dự án xây đường, cầu Mã Đà, ưu tiên xây dựng Khu Dự trữ sinh quyển thế giới thành mô hình phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế.

Trong khi đó, Khu bảo tồn cho rằng, để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Khu bảo tồn cũng như bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa của vùng đất cách mạng Chiến khu Đ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành cần xem xét, cân nhắc, tổ chức các hội thảo khoa học lấy ý kiến của các nhà khoa học và các bộ, ngành liên quan.

Về vấn đề kết nối giao thông, Sở GT-VT cũng đã kiến nghị thực hiện phương án kết nối giao thông theo quy hoạch chung Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bình Phước bằng tuyến đường vành đai 4 - TP.HCM. Đây là tuyến đường kết nối từ khu vực các tỉnh Bình Phước, Bình Dương qua Đồng Nai đến quốc lộ 1, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến sân bay Long Thành.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành:

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái

“Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố công khai “đóng cửa rừng” vì đây là tài sản sinh thái cực kỳ quý giá của quốc gia, là lá phổi xanh của miền Đông Nam bộ. Nếu xây dựng dự án tuyến đường giao thông quốc lộ 13C đi xuyên qua vùng lõi của Khu bảo tồn chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng, làm suy giảm môi trường sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, nhất là không còn đảm bảo các tiêu chí theo chức năng của một khu dự trữ sinh quyển thế giới mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO.

Gần đây, khi nhận được thông tin về dự án giao thông này sẽ đi xuyên qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có văn bản cảnh báo: không đồng thuận dự án giao thông này đi xuyên qua vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai. Nếu dự án vẫn thực hiện thì UNESCO sẽ can thiệp và thu hồi danh hiệu. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Nếu dự án được thực hiện nhằm vào mục tiêu phát triển kinh tế của một hoặc vài địa phương mà làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, gia tăng nguy cơ thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, làm đảo lộn tính đa dạng sinh học của một khu vực, sẽ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học… Như vậy, đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh môi trường, môi sinh đánh đổi lấy mục tiêu kinh tế đơn thuần. Điều này trái ngược với quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững của đất nước mà nghị quyết nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định: Phát triển nhanh, bền vững về kinh tế phải đi đôi với bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái”.

Phạm Tùng

 

Đóng