Nghiên cứu quy mô đầu tư thích hợp tuyến đường kết nối Bình Phước với Đồng Nai

21-04-2025

(ĐN) - Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2273/BXD-KHTC (ngày 18-4-2025) gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.

Trong văn bản này, Bộ Xây dựng đánh giá, việc nghiên cứu để đầu tư công trình giao thông kết nối trực tiếp giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai là cần thiết. Do vai trò kết nối trực tiếp giữa 2 tỉnh, Bộ Xây dựng cho rằng, nên nghiên cứu với quy mô đầu tư thích hợp để kết hợp yêu cầu đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch khu vực.

Đầu tư dự án là cần thiết

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, kết nối tỉnh Bình Phước với thành phố Hồ Chí Minh hay Đồng Nai đều phải thông qua tỉnh Bình Dương và việc nghiên cứu để đầu tư công trình giao thông kết nối trực tiếp giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai là cần thiết.

Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và trong khu vực, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã thống nhất lựa chọn phương án kết nối từ thành phố Đồng Xoài đi theo đường tỉnh 753, qua cầu Mã Đà sang địa phận tỉnh Đồng Nai, đi theo các tuyến đường địa phương kết nối với đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh nhằm lưu thông thuận tiện và hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên và Vùng Đông Nam Bộ.

Trong văn bản, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, do hướng tuyến kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà đi qua Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai nên đề nghị các địa phương rà soát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường, hệ sinh thái, liên kết đa dạng sinh học để lựa chọn hướng tuyến chi tiết cho phù hợp; đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường, đồng thời nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực môi trường, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, điều ước quốc tế… để phối hợp với các cơ quan quản lý hoàn thiện hồ sơ và thủ tục đầu tư dự án trong quá trình triển khai đầu tư theo quy định.

Theo phương án này, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 74km. Trong đó, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 30km (từ thành phố Đồng Xoài đến cầu Mã Đà); đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 44km (từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh). Trong đó có khoảng 27km đi qua Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Với đoạn tuyến đi qua địa bàn Đồng Nai, phương án được đề xuất là xây dựng khoảng 5km cầu cạn đi qua khu vực rừng tự nhiên và mở mới đoạn tuyến khoảng 17km với quy mô đầu tư từ 4-10 làn xe.

Bộ Xây dựng đánh giá, phương án hướng tuyến theo đề xuất của 2 địa phương sẽ bảo đảm kết nối trung tâm tỉnh Bình Phước và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh) với đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với kiến nghị của UBND tỉnh Bình Phước điều chỉnh quy mô quy hoạch quốc lộ 13C (trùng với một đoạn tuyến của đường tỉnh 753) từ 2 - 4 làn xe lên thành 8 - 10 làn xe, Bộ Xây dựng cho rằng, UBND tỉnh Bình Phước có thể nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến đường tỉnh 753 (đoạn đi trùng với quốc lộ 13C nhưng chưa phải là quốc lộ 13C) với quy mô lớn hơn quy mô quy hoạch tối thiểu trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà không phải thực hiện điều chỉnh Quyết định số 1454/QĐ-TTg (ngày 1-9-2021) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, cầu Mã Đà kết nối tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, tuyến đường tỉnh 761 và tuyến đường kết nối Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai với đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh chưa được cập nhật trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND hai tỉnh rà soát, nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung các tuyến đường nêu trên trong các quy hoạch có liên quan theo quy định. 

“Đối với quy hoạch tỉnh, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, nghiên cứu quy định tại Khoản 16, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu để triển khai nhằm rút gọn trình tự, thủ tục, tiến độ điều chỉnh quy hoạch tỉnh”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Kiến nghị giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản đầu tư cầu Mã Đà

Về vấn đề nguồn vốn và thẩm quyền đầu tư dự án, theo Bộ Xây dựng, đây là các tuyến đường do địa phương quản lý và đầu tư nên theo quy định, các địa phương chủ động bố trí các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư dự án. Trong trường hợp có khó khăn, đề nghị các địa phương làm việc với Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương đầu tư dự án.

Cũng theo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị được đầu tư cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối từ cầu Mã Đà với đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh từ nguồn ngân sách tỉnh Đồng Nai. 

Do cầu Mã Đà nằm trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước nên việc UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất chủ trì đầu tư cầu Mã Đà là phù hợp. Để có đầy đủ cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND 2 địa phương báo cáo HĐND các tỉnh để có nghị quyết thống nhất về phương án giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản thực hiện dự án theo quy định Khoản 1, Điều 30, Luật Đầu tư công.

Để sớm đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung với đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, cảng Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên, trong văn bản, Bộ Xây dựng kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề liên quan đến dự án.

Theo đó, do thẩm quyền đầu tư các tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai thuộc thẩm quyền của các địa phương, đề nghị UBND 2 tỉnh triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các tuyến đường này theo quy định. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, đề nghị nghiên cứu, rà soát ý kiến của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, UBND 2 tỉnh triển khai các thủ tục theo quy định tại Điều 30, Luật Đầu tư công năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng cầu Mã Đà từ nguồn ngân sách của tỉnh Đồng Nai. UBND 2 tỉnh làm việc với Bộ Tài chính để được xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ ngân sách trung ương có mục tiêu cho các địa phương để đầu tư các tuyến đường theo quy định.

Phạm Tùng

Trang đăng tin nhà đất hiệu quả khác

Đóng