Khu công nghiệp (KCN) Sông Mây nằm trên địa bàn 2 huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu được thành lập từ năm 1998 và chia thành 2 giai đoạn để đầu tư. Thế nhưng, đã qua hơn 20 năm, KCN này vẫn chưa bồi thường xong đất đai để đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Năm 1998, KCN Sông Mây được thành lập với diện tích quy hoạch gần 474ha và được chia thành 2 giai đoạn để đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích hơn 250ha và giai đoạn 2 diện tích gần 224ha. Đơn vị chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Mây là Công ty CP Phát triển KCN Sông Mây.
* Bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài
Hiện nay, cả 2 giai đoạn của KCN Sông Mây vẫn chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật do còn vướng mắc ở việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, giai đoạn 1 còn gần 42ha nằm trên địa bàn xã Hố Nai 3 và xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) đang thực hiện công tác kiểm kê đất đai. Giai đoạn 2 của dự án có 160ha thuộc xã Bắc Sơn và diện tích còn lại thuộc xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Do chủ đầu tư chưa nhận được đất nên giai đoạn 2 vẫn chưa tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho biết: “Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở KCN Sông Mây kéo dài hơn 20 năm là do nhiều người dân có đất bị thu hồi cho dự án không đồng ý nhận bồi thường, hỗ trợ và giao đất. Huyện nhiều lần vận động người dân, nhưng do người dân thiếu hợp tác nên lực lượng chức năng gặp khó khăn trong kiểm kê đất đai. Bên cạnh đó, một số diện tích đất của KCN đã giải phóng mặt bằng xong, giao cho công ty hạ tầng, nhưng vì quản lý chưa chặt dẫn đến bị lấn chiếm, gây khó cho huyện trong việc thu hồi đất”.
Khi KCN Sông Mây được thành lập, nhiều người dân sống gần KCN đã mở ra các dịch vụ kinh doanh nên hầu hết đều không muốn đất đai bị quy hoạch vào dự án và phải thu hồi. Bên cạnh đó, giá tiền bồi thường còn thấp hơn so với giá người dân chuyển nhượng cho nhau cũng là rào cản trong thực hiện bồi thường thu hồi đất ở KCN Sông Mây.
Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho hay: “Diện tích huyện phải bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án KCN Sông Mây đang gặp vướng mắc lớn chưa giải quyết được là do người dân có đất bị thu hồi không đồng thuận, vì cho rằng giá đất quá thấp khiến họ bị thiệt thòi. H.Vĩnh Cửu vận động người dân và tìm cách tháo gỡ khó khăn trên để thu hồi đất giao cho chủ đầu tư dự án”.
* Phối hợp để triển khai nhanh
KCN Sông Mây có 75 doanh nghiệp (DN) được cấp phép đầu tư, nhưng chỉ có 67 DN đang hoạt động, còn lại 3 DN ngưng hoạt động và 5 DN chưa hoạt động. Thời gian qua, nhiều DN muốn đầu tư mới và mở rộng sản xuất tại KCN Sông Mây nhưng không có diện tích đất lớn để thuê.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển KCN Sông Mây Mã Văn Ra chia sẻ: “Do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm nên công ty không có mặt bằng để thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN. Bên cạnh đó, chính sách về đất đai thường xuyên thay đổi gây khó khăn cho công ty trong việc thực hiện các hồ sơ thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đất đai và xây dựng. Công ty mong thời gian tới, H.Trảng Bom và H.Vĩnh Cửu đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng, hoàn thiện đầu tư hạ tầng, có đất cho DN thứ cấp thuê”.
Thực tế, trong một thời gian dài không hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đất đai đã được các hộ dân nằm trong khu quy hoạch dự án KCN Sông Mây tặng, sang nhượng cho nhiều người. Vì thế, muốn đẩy nhanh công tác bồi thường, H.Trảng Bom, H.Vĩnh Cửu phải thực hiện nhanh việc kiểm kê đất đai, áp giá bồi thường và bố trí tái định cư cho những hộ bị giải tỏa trắng. Vấn đề quan trọng nhất là các địa phương vận động được người dân có đất trong dự án đồng thuận nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và giao đất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã yêu cầu Công ty CP Phát triển KCN Sông Mây chủ động hơn nữa trong hoàn thiện hồ sơ thủ tục của dự án và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN theo phương án đã được duyệt. Về phía H.Trảng Bom, xử lý dứt điểm tình trạng người dân lấn chiếm đất đai của KCN.
Thời gian qua, đất đai ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh tăng giá khá cao, đặc biệt là đất gần các KCN, nơi đông dân cư. Trong đó, có những nơi bị “cò đất” thổi giá lên cao hơn nhiều so với giá trị thực nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án và đây là khâu khiến nhiều dự án chậm triển khai, kéo dài nhiều năm. Vì khi tiến hành áp giá bồi thường, các hộ dân có đất bị thu hồi thường so sánh với giá đất ngoài thị trường đã bị thổi lên và cho rằng giá Nhà nước bồi thường thấp hay xảy ra khiếu nại.
Hương Giang