Không đồng bộ giao thông kết nối sẽ giảm hiệu quả sân bay Long Thành

09-04-2022

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), nếu hệ thống giao thông kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM không được đầu tư đồng bộ thì hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 khi đưa vào hoạt động là rất đáng lo ngại.

Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021. Theo kế hoạch rút ngắn tiến độ được Chính phủ đề ra, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ chính thức đưa vào khai thác trong tháng 9-2025.

Theo ACV, hiện nay các hạng mục của dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang được kiểm soát hết sức chặt chẽ để hoàn thành đúng tiến độ mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay là việc đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối, nhất là giữa sân bay Long Thành với TP.HCM để có thể đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả dự án.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV cho biết, công suất thiết kế của sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm nhưng công suất thực tế có thể lên đến 30 triệu lượt hành khách/năm. “Theo thống kê, sẽ có khoảng 75-80% lượng hành khách khi đến sân bay Long Thành sẽ di chuyển về TP.HCM” - ông Vũ Thế Phiệt cho biết.

Với một lượng hành khách lưu thông rất lớn nên vấn đề kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành với TP.HCM là rất quan trọng. Theo ông Vũ Thế Phiệt, tuyến kết nối giao thông chính giữa sân bay Long Thành với TP.HCM hiện nay là đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, hiện nay khi sân bay Long Thành mới bắt đầu xây dựng thì tuyến đường này đã thường xuyên xảy ra ùn tắc. “Nếu không thực hiện mở rộng ngay đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngay từ bây giờ thì khi sân bay đi vào khai thác sẽ rất kẹt. Hiện đã có đề xuất mở rộng tuyến cao tốc này từ 4 lên 8 làn xe, nhưng để đáp ứng hết nhu cầu cần phải mở rộng lên 10 làn xe” - ông Vũ Thế Phiệt cho hay.

Cũng theo ông Vũ Thế Phiệt, nếu kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành với TP.HCM không được đầu tư đồng bộ thì rất khó để có thể khai thác hết hiệu quả của sân bay. Do đó, yêu cầu bắt buộc là hệ thống giao thông kết nối sân bay cũng phải hoàn thành trong năm 2025. Lấy dẫn chứng cho vấn đề này, ông Vũ Thế Phiệt cho biết, khi Nhật Bản tài trợ vốn để xây thêm nhà ga hành khách sân bay Nội Bài, đối tác đã tài trợ thêm vốn để xây dựng hẳn tuyến đường Nội Bài - Nhật Tân và cầu Nhật Tân. “Cả 2 dự án sân bay và đường đều được khánh thành cùng thời điểm mới có thể khai thác hiệu quả” - ông Vũ Thế Phiệt lấy dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho biết, đối với dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hiện Bộ GT-VT đang làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị đầu tư, quản lý tuyến đường về nguồn kinh phí thực hiện. Theo đó, Bộ GT-VT đang yêu cầu VEC khẩn trương rà lại phương án tài chính có đủ khả năng để thực hiện hay không. “Tổng vốn đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến cần khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Nếu VEC đủ năng lực tài chính thì Bộ GT-VT sẽ yêu cầu bổ sung vào dự án, nếu không đủ thì Bộ GT-VT sẽ báo cáo Chính phủ xem xét phương án sử dụng vốn vay ODA” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT LÊ ANH TUẤN, đối với đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai là giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án Xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành thì Bộ GT-VT đã có văn bản báo cáo Chính phủ thống nhất với đề xuất này.

Quỳnh Nhi

 

Đóng