Với hàng loạt dự án xây dựng đường cao tốc đã, đang và sẽ được thực hiện, hạ tầng giao thông - vốn được xem là “mạch máu” phát triển - được kỳ vọng sẽ được khơi thông trong thời gian tới, giúp Đồng Nai nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung tăng tốc phát triển.
* Xóa điểm nghẽn giao thông
Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đối ngoại lại chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng phát triển.
Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, nhu cầu lưu thông vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng trưởng rất nhanh. Trong khi đó, hạ tầng giao thông lại chưa được đầu tư phát triển đồng bộ đã trở thành điểm nghẽn phát triển của tỉnh nhiều năm qua.
Trên thực tế, hiện nay, hầu hết các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh như: quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51 đều đang rơi vào tình trạng quá tải. Đơn cử như tuyến quốc lộ 51, tuyến giao thông kết nối tam giác phát triển TP.HCM - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, bình quân công suất hiện nay của quốc lộ 51 đã gấp 3 lần công suất thiết kế nên thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Tương tự, tuyến quốc lộ 20 kết nối TP.HCM - Đồng Nai - Lâm Đồng cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe do quá tải.
Chính vì vậy, việc các dự án đường cao tốc sắp được khởi động thực hiện được kỳ vọng sẽ khơi thông điểm nghẽn về kết nối giao thông để Đồng Nai phát triển trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi hoàn thành xây dựng sẽ tạo ra sự kết nối giữa Đồng Nai với khu vực Tây nguyên. Đồng thời, tuyến đường này cũng mở ra cơ hội phát triển đối với 2 địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh là H.Định Quán và H.Tân Phú. Trong khi đó, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không chỉ đóng vai trò giảm tải áp lực cho tuyến quốc lộ 51 mà còn là tuyến đường chính kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
* Tạo động lực để đầu tàu kinh tế phát triển
Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, hàng loạt tuyến cao tốc trong khu vực Đông Nam bộ cũng sẽ được triển khai đầu tư xây dựng như: đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Cùng với đó, 2 tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng được Bộ GT-VT kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư để kết nối khu vực Đông Nam bộ với Tây Nam bộ.
Bên cạnh đó, các tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM cũng đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng để sớm hoàn thành đưa vào khai thác.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, khu vực Đông Nam bộ hiện nay đóng góp khoảng 40% GDP cho đất nước. Đồng thời, đây cũng là khu vực đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách quốc gia. “Đây là khu vực đầu tàu, là khu vực động lực phát triển kinh tế của cả nước” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá.
Để khu vực đầu tàu tiếp tục phát triển, từ đó tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế thì hoạt động sản xuất cần phải được bảo đảm thông suốt. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực GT-VT đóng một vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc kết nối cần được quan tâm đặc biệt.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú. Bên cạnh đó, đường vành đai 3 - TP.HCM, tuyến đường quan trọng kết nối các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An cũng chuẩn bị được phê duyệt chủ trương đầu tư. “Việc triển khai nhanh thủ tục đầu tư để sớm thực hiện các dự án nói trên là hết sức quan trọng. Bởi các dự án này không chỉ giúp cho Đồng Nai, khu vực Đông Nam bộ nói riêng mà cho cả nước nói chung phát triển và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Quỳnh Nhi