Sự hạn chế về năng lực của các tuyến giao thông kết nối hiện hữu khiến cho mối liên kết giữa Đồng Nai với đô thị lớn nhất cả nước TP.HCM lâu nay vẫn ở trong tình trạng “gần nhà, xa ngõ”.
* Chưa đáp ứng được nhu cầu
Đồng Nai và TP.HCM là 2 địa phương “láng giềng”, nằm ở trung tâm của vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Nếu như TP.HCM được xem là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước thì Đồng Nai lâu nay vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” cả về công nghiệp lẫn chăn nuôi của cả nước. Chính vì vậy, nhu cầu kết nối về giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương là rất lớn.
Về địa lý, tỉnh Đồng Nai và TP.HCM bị chia cắt bởi các sông: Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Chính vì vậy, để kết nối giao thông, cả 2 địa phương cần đầu tư xây dựng rất nhiều tuyến đường, cầu bắc qua sông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng các tuyến đường, cầu kết nối giữa 2 địa phương đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác còn rất ít ỏi.
Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), hiện nay, kết nối giao thông đường bộ giữa TP.HCM và Đồng Nai thông qua 3 tuyến đường chính gồm: quốc lộ 1A qua cầu Đồng Nai; quốc lộ 1K qua địa phận tỉnh Bình Dương sang tỉnh Đồng Nai qua cầu Hóa An và tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua cầu Long Thành. Riêng khu vực phía Tây Nam của tỉnh Đồng Nai kết nối với TP.HCM thông qua phà Cát Lái.
Cuối năm 2020, Đồng Nai đã khởi công xây dựng 2 dự án Cầu Vàm Cái Sứt và Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) với mục tiêu tạo thêm tuyến kết nối giữa tỉnh với TP.HCM thông qua đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Mặc dù vậy, hiện nay cả 2 dự án này đều đang bị chậm tiến độ. Mặt khác, giai đoạn 2 của dự án Hương lộ 2 kết nối từ cầu Vàm Cái Sứt đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện cũng chưa được triển khai xây dựng. |
Không chỉ ít ỏi về số lượng, thực trạng hiện nay của cả 3 tuyến giao thông kết nối chính giữa 2 địa phương cũng rất đáng lo ngại khi tất cả đều đang bị quá tải.
Cụ thể, theo TEDI, đối với tuyến quốc lộ 1K, cầu Hóa An có quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng vượt quá năng lực thiết kế là 48 ngàn PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn), tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra.
Tương tự, đối với tuyến quốc lộ 1A, cầu Đồng Nai có quy mô 8 làn xe cũng đang khai thác với lưu lượng 216 ngàn PCU/ngày đêm, vượt xa năng lực thiết kế là 96 ngàn PCU/ngày đêm. Do đó, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông rất nghiêm trọng. Trong khi đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe dù mới được đưa vào khai thác khoảng 7 năm cũng đã trở nên quá tải. Theo đó, tuyến cao tốc này đang được khai thác với lưu lượng 65 ngàn PCU/ngày đêm vượt quá năng lực thiết kế là 48 ngàn PCU/ngày đêm.
TEDI cho rằng, với năng lực thiết kế của các tuyến đường, cầu kết nối hiện nay là không đủ, không đáp ứng được nhu cầu giao thông - vận tải kết nối giữa 2 địa phương. Do đó, cần thiết phải đầu tư mở rộng hoặc bổ sung thêm các tuyến đường kết nối theo quy hoạch.
* Mòn mỏi chờ đợi
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021, các mạng đường quốc gia kết nối TP.HCM và Đồng Nai sẽ bao gồm các tuyến: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 3 - TP.HCM. Bên cạnh đó, dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái cũng là một dự án có vai trò kết nối giao thông giữa 2 địa phương.
Đến thời điểm hiện nay, trong số các dự án nói trên, mới chỉ có tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác. Trong khi đó, các dự án còn lại đều đang trong tình trạng xây dựng dở dang hoặc chưa được đầu tư.
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chính thức được khởi công xây dựng vào tháng 7-2014. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2018. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn, dự án liên tục bị trễ hẹn lịch về đích.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho hay, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành xây dựng sẽ có một phần chức năng kết nối giao thông giữa khu vực phía Nam của tỉnh Đồng Nai với khu vực Tây Nam TP.HCM. Do khó khăn về nguồn vốn nên dự án đang bị chậm tiến độ. “Các bên liên quan đang nỗ lực để có thể hoàn thành dự án trong tháng 12-2024” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.
Tương tự, dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM có vai trò kết nối giao thông giữa Đồng Nai và TP.HCM cũng liên tục bị lỡ hẹn khởi công. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2021; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và việc thực hiện các thủ tục kéo dài nên kế hoạch khởi công được điều chỉnh sang quý I-2022. Mặc dù vậy, thêm một lần nữa, dự án lại phải lùi lịch khởi công sang tháng 4-2022. Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GT-VT) cho biết, dự án phải tiếp tục lùi thời điểm khởi công do chưa hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công.
Trong khi đó, dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối H.Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai với quận 2, TP.Thủ Đức của TP.HCM dù đã có chủ trương thực hiện hơn 20 năm nay nhưng đến thời điểm này vẫn đang nằm trên “quy hoạch”.
Tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai. Nhưng hơn 2 năm qua, giữa 2 địa phương vẫn chưa “chốt” được phương án cuối cùng để triển khai thực hiện. Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho hay, dù Đồng Nai rất muốn xây dựng nhanh cầu Cát Lái, nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa xác định được vị trí cụ thể để xây dựng.
Phạm Tùng