Gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh

04-05-2023

Quá trình lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang bị chậm so với kế hoạch. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, những điểm vướng trong quá trình lập quy hoạch cần nhanh chóng được tháo gỡ.

Theo Sở KH-ĐT, việc lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang bị chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 2 tháng.

* Định hình khung phát triển

Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch đang được triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Quy hoạch tỉnh là một khâu quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý tổng hợp về quy hoạch phát triển đối với các địa phương.

Đối với Đồng Nai, quy hoạch tỉnh hiện nay được liên danh đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo giữa kỳ. Trong đó, bộ khung phát triển kinh tế - xã hội đã bước đầu được định hình. Theo đó, Đồng Nai được định hướng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ, du lịch và dịch vụ logistics hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dựa trên thế mạnh nội tại cũng như cơ hội trong giai đoạn mới, Đồng Nai có thể định vị dựa trên 4 lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Theo liên danh đơn vị tư vấn, để hiện thực hóa 4 đột phá chiến lược trong quy hoạch, tỉnh Đồng Nai cần khơi thông nguồn lực, tập trung tăng cường đồng bộ 5 yếu tố hỗ trợ gồm: nguồn vốn đầu tư; nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng; chính sách và chuyển đổi số.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn cho biết, 4 lợi thế cạnh tranh làm nền tảng chiến lược phát triển của tỉnh Đồng Nai là trở thành trung tâm kinh tế lấy cảng hàng không làm trọng tâm; trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo. “Với cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đóng vai trò cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các phương thức giao thông, các khu công nghiệp theo mô hình mới và việc hình thành các tổ hợp giáo dục - đào tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo là nền tảng để tạo nên các lợi thế cạnh tranh phát triển của tỉnh” - ông Trường cho hay.

Từ các nền tảng về lợi thế cạnh tranh, liên danh đơn vị tư vấn cũng đưa ra các ý tưởng chủ đạo trong phát triển với phương châm kết nối - năng động - bền vững. Với phương châm này, 6 quan điểm chủ đạo về các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng được xác định gồm: phát triển có chọn lọc; phát huy thế mạnh, tiềm năng; khả thi, hiệu quả; hướng tới tương lai; lấy người dân làm trung tâm và bền vững.

Liên danh đơn vị tư vấn cũng đề xuất 4 đột phá chiến lược trong quy hoạch tỉnh gồm: xây dựng thành phố sân bay, lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm; xây dựng các tổ hợp giáo dục - đào tạo cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thiết lập quần thể đô thị, dịch vụ giải trí ven sông, ven núi, ven hồ và xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ hiện đại.

3 điểm nghẽn cần tháo gỡ

Theo liên danh đơn vị tư vấn, quá trình hoàn thiện báo cáo giữa kỳ trong việc lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện còn gặp 3 trở ngại chính là việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế cấp huyện; xác định quy mô dân số đến năm 2030 và xác định phương án phát triển các khu công nghiệp (KCN).

Hiện tại, việc đánh giá các chỉ tiêu phát triển cấp huyện gặp khó khăn do sự thiếu đồng nhất giữa các huyện và thiếu số liệu lịch sử theo ngành kinh tế. Trong đó, dữ liệu các huyện cung cấp không đủ, đặc biệt đối với các dữ liệu liên quan đến giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ. Một số dữ liệu chưa mang tính thống nhất, có sự chênh lệch về quy đổi dữ liệu qua các năm dẫn đến chuỗi không đủ tin cậy để sử dụng và tính toán. Điều này dẫn đến việc tổng hợp chỉ tiêu phát triển từ cấp huyện không phù hợp với chỉ tiêu chung của tỉnh.

Đối với việc xác định quy mô dân số đến năm 2030, liên danh đơn vị tư vấn đề xuất sử dụng dự báo dân số của đơn vị tư vấn thay vì dự báo dân số theo quy hoạch vùng huyện để đảm bảo sự thống nhất.

Bên cạnh đó, các huyện cũng đang đề xuất thêm 12 KCN với quy mô hơn 4 ngàn ha, tăng tổng diện tích các KCN đề xuất đến năm 2030 lên hơn 22,5 ngàn ha. Để cân đối, tỉnh có thể lựa chọn phân kỳ một phần quy mô của 2 KCN lớn Xuân Quế - Sông Nhạn và Bàu Cạn - Tân Hiệp vào giai đoạn sau năm 2030. Như vậy, sau khi phân kỳ, tổng diện tích KCN phát triển trước năm 2030 vẫn sẽ ở mức hơn 18,5 ngàn ha, phù hợp với diện tích quy hoạch đã được phê duyệt.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và liên danh đơn vị tư vấn để nghe báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, vấn đề dự báo dân số là rất quan trọng. Bởi đây là yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội sau này. Do đó, các địa phương cùng các sở, ngành liên quan và đơn vị tư vấn phải làm việc cùng nhau để thống nhất số liệu, đảm bảo đồng bộ.

Đối với việc xác định phương án phát triển các KCN, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, việc quy hoạch các KCN phải mang tính chất sẵn sàng, xây dựng trước và thu hút đầu tư sau. Do đó, đơn vị tư vấn cần rà soát, tính toán kỹ để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là trong bối cảnh phát triển công nghiệp của Đồng Nai sẽ rất thuận lợi khi các dự án hạ tầng giao thông lớn hoàn thành xây dựng. Việc quy hoạch, phân bổ cần tính toán theo vùng dựa vào lợi thế phát triển, thu hút đầu tư. Như khu vực Long Thành - Nhơn Trạch thì lấp đầy rất nhanh vì có nhiều thuận lợi.


Giám đốc Sở Xây dựng HỒ VĂN HÀ: Vai trò của các địa phương là rất quan trọng

Liên danh đơn vị tư vấn cần làm việc với các địa phương. Các địa phương phải tổ chức các hội thảo để đóng góp phương hướng phát triển của địa phương mình. Đơn vị tư vấn chỉ đóng vai trò định hướng chứ không thể am hiểu bằng chính các địa phương. Quy hoạch có phù hợp, sát với thực tế và có được triển khai thành công hay không có vai trò rất quan trọng của các địa phương.

Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN: Sớm hoàn chỉnh tất cả các nội dung

Hiện nay, trong báo cáo giữa kỳ còn nhiều nội dung chưa hoàn chỉnh trong khi yêu cầu về mặt thời gian khá gấp. Do đó, tư vấn cần khẩn trương hoàn thiện, cập nhật các ý kiến đóng góp. Trong báo cáo tổng hợp cần xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu bám theo các chỉ tiêu mà quy hoạch các địa phương đang triển khai như: cơ cấu kinh tế, tỷ lệ đô thị hóa, kinh tế số, nông thôn mới, bảo vệ môi trường…


Phạm Tùng

Đóng