Gỡ từ khâu bồi thường

02-06-2022

Hiện nay, trong thực hiện các dự án tại Đồng Nai, khó khăn nhất thuộc về khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Có không ít dự án vì bồi thường mà phải kéo dài hơn 10 năm chưa hoàn thành, phát sinh khiếu nại.

Theo Sở TN-MT, mỗi năm các địa phương phải thu hồi hàng ngàn ha đất cho các dự án đầu tư công, thương mại.

* Khiếu nại nhiều về giá đất

Khoảng 80% đơn khiếu nại về dự án trên địa bàn Đồng Nai liên quan đến giá đất bồi thường.

Cụ thể, nhiều người dân chưa đồng tình vì cho rằng giá đất bồi thường còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Khi có đơn khiếu nại, dự án phải tiến hành giải quyết theo trình tự, mất rất nhiều thời gian.

Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh HUỲNH VIỆT CƯỜNG yêu cầu: “Trước khi đưa dự án vào danh mục thu hồi đất, các địa phương phải rà soát kỹ, đủ điều kiện mới đưa. Các sở, ngành liên quan cần tăng cường, hướng dẫn cho các huyện, thành phố thực hiện bồi thường kịp thời, đúng luật”.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho hay: “H.Trảng Bom đang triển khai nhiều dự án trên các lĩnh vực và đa số phải thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân. Vướng mắc thường nằm ở khâu định giá đất do người dân chưa đồng tình, khiếu nại yêu cầu tăng giá bồi thường sát với giá thị trường. Thời điểm thu hồi đất cho các dự án chia thành nhiều đợt, áp giá khác nhau cũng gây bức xúc”.

Đơn cử, một số dự án do vướng bồi thường mà kéo dài 10-20 năm như các khu công nghiệp: Sông Mây, Bàu Xéo, Hố Nai (H.Trảng Bom); Ông Kèo (H.Nhơn Trạch)…

Theo Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành, giá đất trên địa bàn huyện biến động thường xuyên nên sau khi đã áp giá bồi thường, chủ đầu tư dự án chậm chuyển tiền chi trả cho người dân sẽ gây khó khăn cho huyện. Nhất là sau một thời gian, giá đất tăng cao, người dân sẽ không đồng ý với giá bồi thường trước đó, dẫn đến khiếu nại, dự án kéo dài thời gian thực hiện.

* Làm sao để dân đồng thuận?

Năm 2022, Đồng Nai có hơn 1 ngàn dự án phải thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Trong đó, đa số các dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua; nhiều dự án đã bồi thường được 70-90%, diện tích còn lại không nhiều nhưng nằm rải rác nên chủ đầu tư không thể thi công.

Trong quá trình giám sát về công tác thu hồi đất cho các dự án trên địa bàn tỉnh gần đây, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà nhấn mạnh: “Muốn thực hiện nhanh khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng thì phải tạo được sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án. Trước khi tiến hành việc thu hồi đất nên lấy ý kiến người dân, vận động người dân ủng hộ triển khai dự án”.

Nhiều hộ dân trong vùng quy hoạch dự án bày tỏ mong muốn giá bồi thường sát hơn với giá thị trường. Đồng thời, khâu tái định cư cũng nên bố trí gần nơi họ đang sinh sống, để dễ dàng giao đất và chuyển đến nơi ở mới, sớm an cư.

Hằng năm, mỗi địa phương trong tỉnh phải triển khai từ 100-200 dự án nên chưa cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dẫn đến dự án dàn trải, kéo dài, chậm tiến độ bồi thường.

Khánh Minh

Đóng