Phần diện tích mặt bằng còn lại thuộc dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chưa được bàn giao là rất nhỏ nhưng lại có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án nếu tiếp tục chậm trễ.
* “Căng thẳng” tại gói thầu số 4
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99km đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 51km.
Theo Sở TN-MT, để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Đồng Nai phải thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 431ha của hơn 1,2 ngàn hộ dân và 8 tổ chức thuộc địa bàn 4 địa phương gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Long Khánh.
Theo ông VŨ NGỌC DƯƠNG, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, việc thi công hạng mục nút giao giữa đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rất phức tạp vì phải thực hiện phân làn thi công trên khu vực đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua. Việc thi công phải được thực hiện trong mùa khô vì đến mùa mưa sẽ không thể thi công được. Do đó, thời gian còn lại rất ngắn. |
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT cho biết, đến thời điểm này, Đồng Nai đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt 99,8% diện tích. Toàn dự án hiện chỉ còn 11 hộ dân (gồm 4 hộ tại H.Thống Nhất và 7 hộ tại H.Cẩm Mỹ) chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.
Theo ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất, diện tích đất của 4 hộ dân trên địa bàn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng là gần 3ha. Nguyên nhân khiến các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng là do còn có những khiếu nại đề nghị áp dụng giá đất giai đoạn 2020-2024 để tính toán các khoản hỗ trợ. Các hộ dân này cũng có những khiếu nại về vị trí đất và đề nghị nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm từ 1,5 lên 2 lần.
Trong khi đó, theo UBND H.Cẩm Mỹ, 7 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thuộc địa bàn xã Sông Nhạn với diện tích hơn 1,3ha. Các hộ dân này có khiếu nại về thời hạn thông báo thu hồi đất không đảm bảo thời gian theo quy định (không đủ 90 ngày đối với đất nông nghiệp). Đồng thời, những hộ này cũng có những khiếu nại về giá đất, giá bồi thường tài sản, cây trồng khi thực hiện thu hồi đất.
Đánh giá về 2 điểm vướng mặt bằng còn lại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thuộc dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (đơn vị được Bộ GT-VT giao làm chủ đầu tư dự án) Vũ Ngọc Dương cho rằng, vị trí mặt bằng chưa được bàn giao thuộc phần đất của 4 hộ dân trên địa bàn H.Thống Nhất cần được tháo gỡ sớm để đảm bảo tiến độ chung của dự án. Theo ông Dương, vị trí đất chưa được bàn giao mặt bằng tại H.Thống Nhất thuộc gói thầu xây lắp số 4 và nằm trong khu vực xây dựng nút giao giữa đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Do đó, nếu không hoàn thành giải phóng mặt bằng sớm ở vị trí này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ dự án. “Gói thầu xây lắp số 4 là gói thầu quan trọng nhất của dự án. Do chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng nên đang rất căng thẳng” - ông Vũ Ngọc Dương cho biết.
* Phải bàn giao mặt bằng trong tháng 2-2022
Ông Vũ Ngọc Dương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây phải rút ngắn thời gian hoàn thành trước một quý. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT đã họp và rút tiến độ hoàn thành dự án. “Kế hoạch ban đầu là hoàn thành xây dựng trong tháng 12-2022 thì nay phải hoàn thành trong tháng 9-2022” - ông Dương cho biết.
Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý dự án Thăng Long nhấn mạnh cần nhanh chóng hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là vị trí thi công hạng mục nút giao giữa đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc gói thầu xây lắp số 4 trên địa bàn H.Thống Nhất. Bởi đây là vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ của dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác như đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Nếu không hoàn thành việc thi công nút giao này đúng tiến độ, các dự án nói trên sẽ không thể thông tuyến. “Tiến độ dự án đã không còn đường lùi nên phải bàn giao mặt bằng vị trí này để thi công trong tháng 2. Như vậy, toàn bộ dự án mới có thể hoàn thành đúng tiến độ” - ông Vũ Ngọc Dương nhấn mạnh.
Trước kiến nghị về công tác giải phóng mặt bằng của dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các địa phương và các đơn vị có liên quan phải đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với điểm vướng liên quan đến 7 hộ dân trên địa bàn H.Cẩm Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức giao UBND H.Cẩm Mỹ củng cố hồ sơ đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, đồng thời tổ chức vận động các hộ dân lần cuối đồng thuận với chủ trương chính sách của Nhà nước để nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Trường hợp các hộ dân không đồng thuận, đề nghị UBND H.Cẩm Mỹ có trách nhiệm thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính thu hồi đất xây dựng kế hoạch cưỡng chế cụ thể thực hiện ngay trong tháng 2-2022.
Đối với điểm vướng liên quan đến 4 hộ dân trên địa bàn H.Thống Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức giao Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét báo cáo chính thức bằng văn bản gửi UBND tỉnh xử lý các kiến nghị của các hộ dân theo đúng quy định trong tháng 2. Riêng nội dung khiếu nại của các hộ dân liên quan đến mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm từ 1,5 lần lên 2 lần, Sở TN-MT tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban TVTU chỉ đạo để có cơ sở báo cáo Bộ GT-VT.
Phạm Tùng