Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp (DN) đang trong quá trình đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn còn vướng các thủ tục, nhất là quy định liên quan đến đất đai.
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, bên cạnh nỗ lực từ các sở, ngành, mới đây Tỉnh ủy đã thành lập Tổ công tác xử lý kiến nghị của DN. Các chuyên gia cũng đánh giá, muốn cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, việc đối thoại với DN cũng cần thực hiện thường xuyên.
Mong được hỗ trợ về thủ tục để thúc đẩy tiến độ dự án
Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (nhà máy Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) là DN đến từ Đức. Đầu tư vào Đồng Nai từ năm 2007, đến năm 2019, nhà máy mới của DN này đã đi vào hoạt động với công nghệ tiên tiến của tập đoàn mẹ, chuyên sản xuất các sản phẩm vòng bi công nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. DN hoạt động trên 5ha với khoảng 750 lao động. Để đáp ứng nhu cầu của các đối tác, DN đang trong lộ trình mở rộng quy mô hoạt động tại nhà máy ở Đồng Nai với đầu tư mở rộng giai đoạn 2.
Ngoài vấn đề vướng thủ tục, ở phương diện khác, DN lại thiếu nhân lực để làm các hồ sơ pháp lý. Đại diện một DN đang làm hồ sơ xét chọn là DN công nghiệp hỗ trợ cho hay, thời gian qua, do tập trung vào đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất và đi lên từ quy mô nhỏ nên công ty thiếu bộ phận pháp lý để thực hiện. Do vậy, việc đăng ký chứng nhận là DN công nghiệp hỗ trợ bị chậm lại, trong khi nếu đạt được chứng nhận sẽ thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước. DN mong muốn các cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai rộng rãi chính sách và phổ biến để DN dễ tiếp cận hơn. |
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng giám đốc công ty, để chuẩn bị mở rộng giai đoạn 2, DN đã làm việc với chủ đầu tư Khu công nghiệp Amata và các đơn vị liên quan từ 2 năm nay nhằm hoàn thiện các thủ tục giấy phép nhưng hồ sơ, thủ tục vẫn còn vướng.
“Tập đoàn mẹ đặt chỉ tiêu trong năm phải hoàn thành các thủ tục, hồ sơ để sang năm có thể triển khai xây dựng, đưa vào sản xuất. Đây là cơ hội để thu hút thêm 100 triệu USD đầu tư, nếu chậm trễ, tập đoàn mẹ có thể phải nghiên cứu chuyển hướng sang địa phương hoặc quốc gia khác. Do vậy, DN mong muốn được sớm tháo gỡ” - ông Thắng cho biết.
Tương tự, Công ty CP Đồng Tiến, DN chuyên may mặc xuất khẩu, sau khi di dời nhà máy vào KCN thì có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất cũ số 10, đường Phan Trung quy mô 2,7ha để xây dựng khu dân cư. Theo đại diện công ty, dự án này đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010. Công ty cũng đã thực hiện xong các thủ tục về đầu tư, đồng thời đã nộp tiền ký quỹ hơn 11,5 tỷ đồng. Năm 2016, công ty làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và xin giao đất theo thủ tục về đất đai, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất. Đồng Tiến theo đuổi dự án này đã lâu và DN vẫn muốn được tiếp tục thực hiện. Công ty cũng kiến nghị tỉnh không thu hồi đất để đấu giá và có giải pháp để hỗ trợ DN có thể sớm triển khai được dự án.
Gỡ vướng cho DN cần là công việc thường xuyên
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Đồng Nai từ lâu luôn coi việc đồng hành cùng DN là phương châm xuyên suốt và đã nỗ lực để có nhiều chuyển biến nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, để đi từ chính sách tới thực tiễn là cả câu chuyện dài. Dù đã có những chuyển biến tích cực song còn chậm, nhất là khi so sánh với các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, kinh tế năng động. Điều quan trọng, gỡ vướng cho DN phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, nếu không sẽ chậm nhịp phát triển.
Ngay sau hội nghị gặp gỡ DN, nhà đầu tư được tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, Tỉnh ủy đã thành lập Tổ công tác xử lý thông tin kiến nghị của DN. Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ tổng hợp, tiếp cận thông tin và kiến nghị của các DN trên địa bàn tỉnh chuyển đến Thường trực Tỉnh ủy và Bí thư Tỉnh ủy; hướng dẫn, trao đổi, phối hợp với các đơn vị, địa phương xem xét, giải quyết. Hằng tuần, tổ công tác phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh theo dõi; báo cáo kết quả xử lý kiến nghị cho Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy; đồng thời, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các vấn đề có liên quan.
Đánh giá về môi trường đầu tư của Đồng Nai, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định tiềm năng và cơ hội rất lớn. So với các địa phương khác, lợi thế của Đồng Nai được nói nhiều đến trong thời gian qua. Để tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, đứng vào tốp đầu cả nước, việc tương tác với DN, hỗ trợ về thủ tục, chính sách rất quan trọng.
“Tôi cho rằng, kinh nghiệm của các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh được đánh giá cao là chính quyền, ban, ngành mà người đứng đầu phải thật sự thấy “sốt ruột”. Việc hỗ trợ DN không chỉ ở cấp cao nhất của tỉnh mà phải là việc làm thường xuyên từ các ban, ngành và các địa phương trong tỉnh” - ông Tuấn nhận định.
Văn Gia