Để nguồn vốn 'mồi' trở thành cú hích phục hồi kinh tế

14-04-2022

Đầu tư công dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng lại đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng. Mặc dù vậy, những năm qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp đã phần nào hạn chế vai trò tạo cú hích cho tăng trưởng.

* Ít dự án đầu tư công hoàn thành đúng tiến độ

Cuối năm 2020, dự án Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1), TP.Biên Hòa được chính thức khởi công xây dựng. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra tuyến kết nối giao thông mới giữa TP.Biên Hòa với đô thị TP.HCM, giảm áp lực cho quốc lộ 51 và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Dự án được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, theo kế hoạch sẽ hoàn thành sau 17 tháng thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi chỉ còn 1 tháng nữa là hết thời gian ký kết theo hợp đồng, khối lượng thi công hoàn thành của dự án vẫn hết sức khiêm tốn. Các cơ quan chức năng đã phải gia hạn mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2022, nhưng mục tiêu này muốn trở thành hiện thực cũng rất khó khăn khi đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án.

“Ghi vốn cho địa phương rồi đấy, nhưng một năm ì ạch không giải ngân nổi, năng lực hành động quá kém. Không giải ngân được nguồn vốn đầu tư thì không làm gì được” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh với các địa phương tại cuộc họp về tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm ngày 29-3.

Không chỉ dự án Hương lộ 2, nhiều năm qua, phần lớn các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng chậm tiến độ ở các dự án đầu tư công chủ yếu vẫn là do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là sự phối hợp thiếu đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chuyên ngành trong việc thẩm định hồ sơ đầu tư, sự thiếu quyết liệt của các chủ đầu tư cũng như năng lực còn hạn chế, tổ chức thi công thiếu khoa học của các đơn vị thi công.

Các dự án đầu tư công bị chậm tiến độ khiến cho việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều năm qua cũng không đạt như kỳ vọng. Theo Văn phòng UBND tỉnh, nhiều năm qua, Đồng Nai luôn đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% nguồn vốn đầu tư công được bố trí hằng năm. Tuy nhiên, chưa có năm nào Đồng Nai hoàn thành được mục tiêu này.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, nguồn vốn đầu tư công sẽ phát huy hiệu quả thực chất khi các công trình, dự án sử dụng vốn hoàn thành đúng tiến độ, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hôi. Do đó, việc các dự án bị chậm tiến độ không những dẫn đến tình trạng đội vốn mà còn giảm hiệu quả của nguồn vốn do chậm đưa vào khai thác.

Đánh giá về thực trạng triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, không có dự án đầu tư công nào hoàn thành đúng tiến độ. “Vừa rồi, đi kiểm tra 3 dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Biên Hòa thì thấy tiến độ đều chậm” - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết. 

* Yếu tố thúc đẩy phát triển

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, sự phát triển của tỉnh dựa vào 2 nguồn chính là đầu tư công và đầu tư xã hội. Do đó, nếu đưa được nguồn lực đầu tư công, thực hiện giải ngân tốt thì đó là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển. Yếu tố thứ 2 chính là hỗ trợ tốt cho việc giải ngân các dự án đầu tư của doanh nghiệp để khai thác tốt nguồn lực đầu tư xã hội.

Trong 2 nguồn lực đầu tư nói trên, đầu tư công dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại đóng vai trò là nguồn “vốn mồi” để thu hút vốn xã hội, dẫn dắt, tạo động lực phát triển. Để có thể thực hiện tốt việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, năng lực bộ máy lãnh đạo, năng lực của người đứng đầu để vận hành quá trình giải ngân nguồn vốn đóng vai trò hết sức quan trọng. “Đó là năng lực hành động của bộ máy, nó quan trọng lắm. Có tiền nhưng có giải ngân được không, có hấp thu vốn nổi không đó là năng lực hành động” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.

Lấy dẫn chứng về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, khi đi làm việc tại các huyện thì huyện nào cũng nêu khó khăn thiếu vốn. Nhưng thực tế là nguồn vốn không thiếu, nhưng việc giải ngân nguồn vốn còn hạn chế.

Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, việc đánh giá năng lực hành động trong việc giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. “Người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh. Không thể có chuyện ì ạch trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Bên cạnh năng lực hành động của bộ máy cũng như người đứng đầu các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng nhấn mạnh yếu tố phối hợp trong bộ máy khi thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, cần phải tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phối hợp thực hiện các công việc trong quá trình giải ngân nguồn vốn. Tránh tình trạng kéo dài thời gian thực hiện và “đá quả bóng” trách nhiệm.

Phạm Tùng

Đóng