Hiện nay, UBND tỉnh đang tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2024. Dự kiến giá đất của nhiều tuyến đường, khu công nghiệp tại Đồng Nai sẽ tăng 5-140%.
Theo Sở TN-MT, nếu các sở, ngành, địa phương thống nhất thì sẽ có 131 đoạn thuộc 44 tuyến đường đưa ra lấy ý kiến HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm nay và điều chỉnh giá từ đầu năm 2023.
Những tuyến đường nào giá đất tăng?
Tại các khu đô thị trên địa bàn tỉnh, dự tính sẽ điều chỉnh giá đất ở tăng 21 đoạn thuộc 13 tuyến đường thuộc TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Định Quán và H.Cẩm Mỹ. Giá đất được điều chỉnh tăng là do rà soát, so sánh với các đoạn đường, tuyến đường liên quan để đảm bảo sự phù hợp về mức giá giữa các tuyến đường và gần với giá thị trường. Trong đó, mức điều chỉnh cao nhất tại vị trí 1 của đường Võ Văn Tần (TP.Long Khánh) tăng gấp hơn 2 lần, từ 1,2 triệu đồng/m2 lên 2,9 triệu đồng/m2 và vị trí 4 từ 400 ngàn đồng/m2 lên 850 ngàn đồng/m2. Các tuyến đường ở TP.Biên Hòa, H.Cẩm Mỹ, H.Định Quán có mức tăng chủ yếu từ 5-20%.
Cách tính giá đất thương mại, dịch vụ Theo Sở TN-MT, giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị và nông thôn sẽ được điều chỉnh, bổ sung tương ứng bằng 70% mức giá đất ở cùng khu vực, vị trí, tuyến đường. Do đó, khi tính tiền thuế sử dụng đất, phí và lệ phí trong quản lý sử dụng đất… sẽ căn cứ vào mức trên để tính toán. |
Tại các khu vực nông thôn, giá đất ở sẽ điều chỉnh tăng ở 110 đoạn thuộc 31 tuyến đường tại 6 địa phương: Cẩm Mỹ, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất và Trảng Bom. Vị trí 1 tăng cao nhất là hơn 2 lần thuộc đường 96 xã La Ngà (H.Định Quán) từ 390 ngàn đồng/m2 lên 900 ngàn đồng/m2. Với vị trí 4 giá đất tăng nhiều nhất là đường vào đập Thanh Niên xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) từ 1,1 triệu đồng/m2 lên 3 triệu đồng/m2.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết: “Giá đất trên căn cứ để tính tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất, phí và lệ phí trong quản lý sử dụng đất đai, tính tiền xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai… Đất tại khu vực đô thị, nông thôn đều được phân thành 4 vị trí để áp giá cho phù hợp. Thực tế, giá đất điều chỉnh đều thấp hơn nhiều so với giá thị trường”.
Một số ý kiến cho rằng, giá đất biến động với biên độ lớn ở một số tuyến đường cũng khiến nhiều người lo lắng sẽ ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai. Đồng thời, gây trở ngại trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có sử dụng diện tích đất lớn.
Ông Lê Sĩ Lâm, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh đánh giá: “Về giá đất, lâu nay luôn có hai luồng ý kiến trái chiều. Người có đất quy hoạch trong dự án thường muốn giá đất cao để được hưởng lợi, ngược lại người phải đóng thuế đất lại mong giá đất thấp để giảm bớt chi phí. Thời gian qua, giá đất nông nghiệp tại Đồng Nai có một số nơi bị đẩy lên vài chục tỷ đồng/ha, nếu không cân nhắc xây dựng giá đất phù hợp rất khó thu hút đầu tư các dự án”.
Ảnh hưởng đến các dự án
Gần 5 năm qua, giá đất tăng cao ở hầu hết các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Trong đó, người mua đất chủ yếu để đầu cơ kiếm lời dẫn đến nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong quản lý đất đai vì tình trạng tách thửa tràn lan, đồng sử dụng nhiều người. Giá đất quá cao, nhiều nhà đầu tư sẽ gặp khó với dự án đang triển khai và cản đường trong thu hút đầu tư dự án mới. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và tỉnh.
Phó giám đốc Sở Tài chính Lê Văn Thư nhấn mạnh: “Các địa phương phải chú ý khi thay đổi chính sách về giá đất, đặc biệt việc xây dựng giá đất tăng cao tại các tuyến đường, vì sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt dự án đang triển khai ở những khu vực xung quanh. Riêng khu vực sân bay Long Thành giữ nguyên giá đất không tăng để tạo thuận lợi cho thực hiện dự án. Với những nơi khác có nhiều dự án đang triển khai, các địa phương phải rà soát, cân nhắc kỹ vì điều chỉnh giá đất tăng cao sẽ phát sinh nhiều rắc rối”.
Trong dự thảo bổ sung, điều chỉnh giá đất năm 2023, đất sản xuất, kinh doanh, phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị và nông thôn thì được điều chỉnh bằng 60% mức giá đất ở tại vị trí, tuyến đường gần nhất. |
Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều chỉnh, bổ sung giá đất cho các tuyến đường phải chú ý đến các tuyến đường giáp ranh sao cho phù hợp để thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng người dân bị thu hồi đất so sánh, bức xúc.
Theo đại diện Cục Thuế Đồng Nai, những năm gần đây, giá đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cao, có nơi tăng gấp 2-3 lần gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đang triển khai các dự án lớn về lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, các dự án trên lĩnh vực khác cũng chịu tác động không nhỏ từ việc giá đất điều chỉnh tăng.
Tuy điều chỉnh giá đất tăng sẽ giúp cho thu ngân sách nhà nước nhiều hơn, nhưng sẽ khó khăn cho tỉnh, các địa phương trong thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, công nghiệp, logistics, du lịch, nông nghiệp… Như vậy, các địa phương sẽ mất đi nguồn lực lớn để triển khai phát triển kinh tế theo quy hoạch, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn, sở, ngành liên quan tính toán cẩn thận việc điều chỉnh, bổ sung giá đất ở từng đoạn đường cho hài hòa. Đồng thời, đưa dự thảo giá đất điều chỉnh, bổ sung ra lấy ý kiến rộng rãi để phát hiện, sửa đổi những điểm chưa phù hợp. Giá đất khi được phê duyệt đưa vào triển khai sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng của đất đai.
Hương Giang
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC:
Nỗ lực để đưa giá đất sát với giá thị trường
Qua kết quả điều tra giá đất thị trường tại một số khu vực, tuyến đường, kết hợp với rà soát giá đất cụ thể thực hiện giao đất, cho thuê đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhận thấy giá đất thị trường có nhiều biến động tăng so với thời điểm điều tra xây dựng bảng giá đất năm 2019, dẫn đến mức giá đất trong bảng giá đất thấp hơn so với thị trường. Mặt khác, Luật Đất đai đang dự thảo điều chỉnh theo hướng bỏ khung giá đất, do đó bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành được xây dựng hằng năm sát với giá đất thị trường.
Vì vậy, trong năm 2023, cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất. Trong đó, tỉnh sẽ tiến hành điều tra trên diện rộng để điều chỉnh tăng dần mức giá gần với giá thị trường, tránh để năm 2024, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực và tiến hành xây dựng bảng giá đất mới thì mức giá đất có thể tăng đột biến so với giá đất hiện hành.
Phó giám đốc Sở TN-MT NGUYỄN NGỌC THƯỜNG:
Điều chỉnh tăng giá đất 23 khu, cụm công nghiệp
Từ năm 2023, Đồng Nai dự tính sẽ điều chỉnh tăng giá đất ở 17 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp. Các khu công nghiệp có giá đất tăng đa số nằm ở H.Nhơn Trạch (8 khu). Trong đó, mức tăng thấp nhất là 20 ngàn đồng/m2 thuộc Cụm công nghiệp Tam An (H.Long Thành) và 150 ngàn đồng/m2 với Khu công nghiệp Định Quán (H.Định Quán).
Mức tăng cao nhất là gấp 4 lần so với giá đất hiện hành thuộc Khu công nghiệp Suối Tre, Khu công nghiệp Long Khánh (TP.Long Khánh) từ 300 ngàn đồng/m2 lên 1,5 triệu đồng/m2. Khu công nghiệp Gò Dầu (H.Long Thành) giá đất tăng thêm gần 1,3 triệu đồng/m2, lên 2,67 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp: Giang Điền (H.Trảng Bom), An Phước, Long Đức (H.Long Thành) giá đất tăng gấp hơn 2 lần.
Việc điều chỉnh giá đất tăng ở các nơi trên để phù hợp với mặt bằng cho thuê nhà xưởng trong khu, cụm công nghiệp và để tương ứng với mặt bằng giá những khu vực có cùng điều kiện. Có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp giữ nguyên mức giá không tăng, còn lại chỉ tăng nhẹ.
Uyển Nhi (ghi)