Cần cơ chế hỗ trợ người dân chậm được bố trí tái định cư

09-04-2024

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, người dân có đất ở bị thu hồi được bố trí tái định cư (TĐC) trước khi có quyết định thu hồi đất. Trên thực tế, hiện có rất ít dự án đáp ứng được yêu cầu này, bởi quỹ đất TĐC thiếu và không có sẵn hạ tầng.

Đảm bảo quỹ đất và đầu tư sẵn hạ tầng; có cơ chế hỗ trợ tạm cư trong thời gian chờ nhà ở, đất ở TĐC là giải pháp để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.

Cần hỗ trợ tạm cư cho người dân

Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án hạ tầng chậm triển khai, chậm hoàn thành vì vướng mặt bằng. Điển hình như Dự án: Đường vành đai 3, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường ven sông Đồng Nai và nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện khác. Một trong những lý do dẫn đến mặt bằng chậm bàn giao cho đơn vị thi công là chính sách đền bù, hỗ trợ, TĐC chưa phù hợp và chậm.

Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ TĐC tỉnh Nguyễn Hồng Quế cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 quy định UBND cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án TĐC để bảo đảm chủ động trong việc bố trí chỗ ở cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC và việc bố trí TĐC phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.

Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực ngày 1-1-2025 quy định: UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án TĐC để bảo đảm chủ động trong việc bố trí TĐC cho người có đất bị thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC và việc bố trí TĐC phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.

Điều đó có nghĩa là Nhà nước phải chuẩn bị quỹ đất TĐC hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để bảo đảm bố trí TĐC cho người dân trước khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án đã khởi công nhưng vẫn loay hoay thủ tục để làm khu TĐC, có khi TĐC đi sau cả vài năm, dẫn đến người dân chưa đồng thuận cao, chậm bàn giao mặt bằng.

“Quan trọng nhất trong thu hồi đất vẫn là TĐC. Nếu TĐC kịp thời, tại chỗ, đáp ứng tiêu chí nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng” - ông Quế chia sẻ.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho rằng, thành phố có nhiều công trình, dự án trọng điểm của địa phương, tỉnh đang và sắp triển khai. Một trong những trở ngại, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án này là TĐC chưa đáp ứng được. Hiện thành phố Biên Hòa chưa có sẵn quỹ đất TĐC đủ để bố trí hết cho các hộ dân của tất cả các dự án thu hồi đất. Do đó, thành phố kiến nghị UBND tỉnh cho cơ chế hỗ trợ tạm cư, tiền thuê nhà trọ trong thời gian chờ TĐC nhằm giúp các hộ dân yên tâm bàn giao mặt bằng, ổn định cuộc sống.

Thời gian qua, có những dự án địa phương phải hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người dân từ 1-2 năm vì chưa có đất TĐC hoặc vị trí khu TĐC cách xa nơi thu hồi đất. Do đó, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh có quy định cụ thể về chi trả tiền thuê nhà ở tạm cư cho người dân đã bàn giao mặt bằng mà chưa được nhận đất TĐC.

Đảm bảo quỹ đất, hạ tầng tái định cư

Các địa phương như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch… đang cần hàng ngàn lô đất TĐC tại chỗ cho người dân. Vấn đề đặt ra là phải bố trí quỹ đất và nhanh chóng đầu tư hạ tầng để có chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất. Trường hợp chưa kịp bố trí TĐC thì có cơ chế hỗ trợ chỗ ở hoặc tiền thuê nhà cho người có đất bị thu hồi.

Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền chia sẻ, sắp tới trên địa bàn huyện có các dự án hạ tầng giao thông; khu, cụm công nghiệp mở rộng và đầu tư mới với nhu cầu TĐC lên đến hàng ngàn lô đất. Để thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án này, huyện đưa vào kế hoạch sử dụng đất 40 hécta để triển khai 4 khu TĐC. Huyện sẽ quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhưng tiến độ phụ thuộc vào điều chỉnh quy hoạch, nguồn vốn; nếu có cơ chế hỗ trợ tạm cư sẽ thuận lợi hơn cho địa phương.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, để người dân đồng thuận với chủ trương thu hồi đất, các cơ quan nhà nước phải giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ đền bù, hỗ trợ, TĐC cho người dân. Trong đó, TĐC là cơ sở để giải quyết các bức xúc, vướng mắc và đảm bảo tiến độ dự án. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quy hoạch, đầu tư sẵn hạ tầng các khu TĐC nhằm tăng sự đồng thuận của người dân. Xem xét chính sách hỗ trợ tạm cư phù hợp theo quy định.

Tại hội nghị đánh giá tác động của Luật Đất đai 2024 đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày 3-4 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, Luật Đất đai mới tác động tích cực đến hầu hết các lĩnh vực của tỉnh. Để tận dụng được các điểm tích cực này, các sở, ngành chức năng của tỉnh cần tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Trong đó, tập trung xây dựng bảng giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất theo quy định.

Cũng tại hội nghị này, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất là nội dung lớn và cũng là vấn đề phát sinh nhiều vướng mắc. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh bố trí nguồn vốn cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng khu TĐC, nơi ở cho người dân bị thu hồi đất triển khai dự án, nhất là dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Lê An

Đóng