Cần cả ngàn tỷ đồng đầu tư nước sạch nông thôn

12-07-2022

Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X vừa qua, nội dung về nước sạch nông thôn được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm. Trong đó có thực trạng cả trăm công trình cấp nước tập trung đầu tư bằng nguồn ngân sách nhưng hiện nhiều công trình không hoạt động, đa số hoạt động dưới 50% công suất.

Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, yêu cầu tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của khu vực Đông Nam bộ phải đạt trên 65% tổng hộ dân nông thôn. Để đạt mục tiêu trên, Đề án Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí 1.686 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình cấp nước khu vực nông thôn.

* Nhiều công trình nước sạch kém hiệu quả

Nước sạch nông thôn là lĩnh vực hết sức cần thiết đối với đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của nông thôn. Theo đó, chương trình nước sạch nông thôn đã được tập trung thực hiện trong nhiều năm qua. Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch qua nhiều giai đoạn để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.

Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch khá cao, bao gồm nguồn nước từ các công trình cấp nước tập trung, từ các công trình nhỏ, lẻ, từ chương trình lắp thiết bị lọc nước hộ gia đình… Giai đoạn 2015-2020, chương trình lắp thiết bị lọc nước hộ gia đình đã lắp cho trên 10 ngàn hộ với tổng vốn đầu tư là 45 tỷ đồng.

Tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư các công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 83 công trình cấp nước nông thôn, trong đó 71 công trình đang hoạt động với tổng số người dân nông thôn được cấp nước sạch gần 317,5 ngàn người. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung vẫn còn khá thấp, chỉ đạt 27% trên tổng số dân.

Đặc biệt, toàn tỉnh có 26 công trình cấp nước tập trung nông thôn được xây dựng lâu năm, có quy mô công suất nhỏ cung cấp cho các hộ đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, được giao cho UBND xã quản lý vận hành, thu không đủ chi nên không có nguồn để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo nên càng khó thu hút người dân sử dụng nước. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 12 công trình cấp nước tập trung đã ngừng hoạt động.

* Không chỉ cần đầu tư vốn “khủng”

Theo Đề án Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, kinh phí thực hiện cho giai đoạn này là khoảng 1.686 tỷ đồng, trong đó xã hội hóa khoảng 606 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để các công trình nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả, không chỉ cần nguồn vốn khủng trong đầu tư mà còn cần đồng bộ nhiều giải pháp khác. Trong đó, bài toán khó xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn cần được tháo gỡ. Thời gian qua, nhiều địa phương của tỉnh đã nỗ lực thu hút các nhà đầu tư vào các dự án nước sạch nông thôn nhưng doanh nghiệp không mặn mà quan tâm; thậm chí, có doanh nghiệp đăng ký tham gia nhưng sau khi lập phương án đầu tư thấy kém hiệu quả đã rút lui.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT CAO TIẾN SỸ, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị cấp nước rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư đấu nối, nâng cấp các công trình cấp nước sạch nông thôn đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đến năm 2025, chất lượng nước sau xử lý tại các công trình cấp nước sạch nông thôn đạt chuẩn của Bộ Y tế hoặc đạt quy chuẩn địa phương.

Giám đốc HTX Dịch vụ, thương mại, nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) Phạm Thanh Đồng chia sẻ, bất cập khi đầu tư mở rộng các dự án cấp nước tập trung ở nông thôn là cần nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng do dân cư thưa, nhu cầu sử dụng nước trên mỗi hộ gia đình lại ít hơn hộ gia đình ở thành thị khiến giá thành nước cao. Mặt khác, giá nước sinh hoạt ở nông thôn nếu tính bằng giá nước đô thị lại quá cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Tại một số khu vực nông thôn, người dân vẫn sử dụng đồng thời 2 nguồn nước là nguồn nước giếng khoan, giếng đào và nước từ công trình cấp nước tập trung. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung không đạt công suất thiết kế do người dân chỉ sử dụng nước từ công trình vào mùa khô, mùa mưa thường không sử dụng.

Ở đây cần có vai trò của Sở TN-MT chủ trì hướng dẫn các địa phương thực hiện xử lý, trám lấp các giếng khoan, giếng đào không sử dụng theo quy định. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh không cấp phép khai thác nước dưới đất đối với những khu vực đã có nguồn nước từ các công trình cấp nước mặt trên địa bàn.

Theo kiến nghị của Sở NN-PTNT, một số công trình quy mô nhỏ được xây dựng đã lâu (trên 15 năm) đến nay hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo, việc tiếp tục đầu tư nâng cấp sẽ không hiệu quả, cần được thay thế bằng những công trình có quy mô lớn liên vùng hoặc đầu tư các tuyến đường ống để đấu nối từ nguồn cấp nước đô thị trong khu vực. Ưu tiên sử dụng và đầu tư mở rộng các công trình sử dụng nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm. Các khu vực có tuyến ống chính cấp nước đô thị đi qua đấu nối, mở rộng các tuyến ống nhánh đến các khu vực dân cư. Ưu tiên cấp nước cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn, vùng cạn kiệt nguồn nước, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, các vùng tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch còn thấp, vùng phát triển mạnh làng nghề.

Bình Nguyên

Đóng