Từ ngày 1-1-2023, Đồng Nai sẽ áp dụng Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới có nhiều chỉ tiêu và yêu cầu đối với các chỉ tiêu cũng cao hơn.
Với lo lắng càng về sau càng khó đạt tiêu chí này, nhiều xã quyết tâm “chạy nước rút” trong năm nay.
* Lo lắng chỉ tiêu nước sạch
Tháng 3-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với 19 tiêu chí thuộc 5 nhóm nội dung. Theo đánh giá chung bộ tiêu chí mới có nhiều chỉ tiêu, yêu cầu với từng chỉ tiêu cũng cao hơn. Điều này cũng dễ hiểu bởi cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu của con người về chất lượng cuộc sống ngày càng cao thì tiêu chí NTM cũng phải thay đổi.
Trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia, Ban Chỉ đạo xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và NTM tỉnh xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí về xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Các bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu đã được lấy ý kiến nhiều lần thông qua hội nghị trực tiếp, góp ý văn bản, qua cổng thông tin điện tử UBND tỉnh và dự kiến ký ban hành trong tháng này.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, đợt này có tổng cộng 21 xã trình hồ sơ đề nghị thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022. Trong đó, 5 hồ sơ xã NTM kiểu mẫu và 16 xã NTM nâng cao. H.Long Thành có nhiều nhất 6 hồ sơ, H.Cẩm Mỹ và H.Nhơn Trạch cùng có 4 hồ sơ. |
Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lê Văn Gọi cho rằng, bộ tiêu chí quốc gia đã cao, bộ tiêu chí của tỉnh càng cao hơn. Chẳng hạn, bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh tăng 2 chỉ tiêu so với bộ tiêu chí quốc gia, xã NTM nâng cao tăng 1 chỉ tiêu so với bộ tiêu chí quốc gia. Các tiêu chí tỉnh bổ sung, yêu cầu cao hơn bộ tiêu chí quốc gia đều phù hợp với thực tế phát triển và mục tiêu nghị quyết của tỉnh là không ngừng cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần để người dân có cuộc sống tốt hơn.
Trong số các chỉ tiêu đó, đáng lo ngại nhất là chỉ tiêu về nước sạch. Với xã NTM nâng cao, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn phải đạt trên 85%, trong đó từ hệ thống cấp nước tập trung (nước máy) trên 65%; xã NTM kiểu mẫu tỷ lệ tương ứng trên 90% và trên 70%. Trong khi tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy bình quân của tỉnh hiện còn thấp, chưa đến 30%, có huyện chưa đến 20%. Các địa phương muốn đạt mức cao hơn hoặc tái công nhận mức cũ phải nỗ lực rất nhiều ở chỉ tiêu này.
Nhiều địa phương lo chỉ tiêu này khó thực hiện, bởi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nước sạch tập trung về nông thôn rất khó. Doanh nghiệp muốn làm lại phụ thuộc vào khu vực được phân vùng cấp nước, phí hạ tầng đối với hộ gia đình đăng ký dùng nước sạch ban đầu cao.
* “Chạy nước rút” xây dựng NTM
Những tháng cuối năm, nhiều địa phương tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí và trình hồ sơ đề nghị Hội đồng Thẩm định NTM tỉnh thẩm định, công nhận đạt chuẩn một phần cũng vì lo lắng càng về sau càng khó đạt các tiêu chí, nhất là chỉ tiêu nước sạch.
Xã Phước Thái (H.Long Thành) là một ví dụ. Địa phương đặt mục tiêu “về đích” NTM nâng cao năm 2023 nhưng đã điều chỉnh sớm hơn 1 năm so với dự kiến.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Thái Huỳnh Minh Thảo cho biết, theo kế hoạch thì năm 2023 xã mới hoàn thành xây dựng NTM nâng cao nhưng sau khi xem xét kết quả thực hiện và khả năng hoàn thành các tiêu chí, xã điều chỉnh mục tiêu sớm hơn. Cũng theo ông Thảo, một trong những động lực để xã quyết về sớm là bộ tiêu chí dự kiến áp dụng đầu năm tới có nhiều chỉ tiêu hơn, yêu cầu cao hơn. Điều này đồng nghĩa với thời gian hoàn thành các chỉ tiêu lâu hơn, nguồn lực cần nhiều hơn.
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân cho biết, cuối năm nay huyện trình 6 hồ sơ xét duyệt, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Việc trình xét công nhận kết quả NTM nâng cao cho các xã dựa trên kết quả thẩm định, đánh giá thực hiện các tiêu chí của huyện, tỉnh; quy định về điều kiện, quy trình, thủ tục, hồ sơ của Trung ương.
Đại diện một xã của H.Cẩm Mỹ cũng cho rằng, nếu năm nay xã không đạt chuẩn NTM nâng cao thì phải 3-5 năm nữa mới đạt. “Xã đạt tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch nhưng tỷ lệ hộ dùng nước máy gần như bằng 0. Để từ 0% lên 65% tỷ lệ hộ dùng nước máy là cả vấn đề lớn đối với xã vùng xa như chúng tôi” - đại diện xã chia sẻ.
Số liệu của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai cho thấy, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy ở một số huyện mà công ty được phân vùng cấp nước còn thấp. Chẳng hạn, H.Long Thành khoảng 20%, H.Định Quán khoảng 22%, H.Tân Phú khoảng 25%, H.Trảng Bom khoảng 28%... trong khi công ty đã phủ nhiều đường ống chính trên địa bàn.
Công ty cho rằng, để đạt mục tiêu 90% dân cư đô thị và 85% dân cư nông thôn dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh vào năm 2025 theo đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, công ty đã lập kế hoạch đầu tư và thực hiện phân kỳ theo từng năm, từng giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, công ty sẽ xây dựng mới các nhà máy sử dụng nước mặt hồ, cải tạo các nhà máy hiện hữu để nâng công suất từ 489 ngàn m3/ngày đêm lên 868 ngàn m3/ngày đêm. Về mạng lưới, công ty xây dựng kế hoạch phát triển cấp nước vùng bao gồm việc phát triển nguồn nước và mở rộng mạng lưới tuyến ống cấp nước. Ở khu vực được phân vùng cấp nước, công ty đầu tư toàn bộ các tuyến ống dọc trục đường chính, đối với tuyến ống nhánh kêu gọi xã hội hóa, công ty hỗ trợ từ
20-30% chi phí.
Ban Mai