Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 đang được xây dựng với định hướng chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc đô thị công nghiệp sang mô hình cấu trúc đô thị dịch vụ và công nghiệp. Đây là lần đầu tiên mục tiêu phát triển của thành phố có sự thay đổi lớn để hướng tới hình thành một đô thị thông minh, bền vững.
Với mục tiêu trên, kỳ vọng là bước khởi đầu cho quá trình thay “áo mới” để TP.Biên Hòa phát triển.
* Tấm “áo cũ” đã có nhiều khiếm khuyết
TP.Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh, đồng thời cũng là thành phố lớn nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM, có vai trò đô thị đối trọng, hỗ trợ cho đô thị hạt nhân vùng là TP.HCM và là một trong 3 cực của tam giác tăng trưởng TP.HCM - Đồng Nai - Vũng Tàu. Trong giai đoạn phát triển từ năm 2016 đến nay, Biên Hòa bước vào một vị thế mới là thành phố loại I trong hệ thống các thành phố của vùng Đông Nam bộ.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 7-2014 đến nay, công tác quản lý và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã thực hiện hiệu quả, bộ mặt đô thị đã có những thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại.
Tuy nhiên, thực tế quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch đã xuất hiện một số bất cập, mâu thuẫn, đặc biệt sau khi TP.Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I.
“Một số nội dung dự báo và định hướng theo Đồ án Quy hoạch chung năm 2014 đến nay không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu cần điều chỉnh nhằm phù hợp với xu hướng phát triển mới” - ông Đỗ Khôi Nguyên cho hay.
Cùng chung nhận định, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, nhiều nội dung trong Đồ án Quy hoạch chung của TP.Biên Hòa năm 2014 đặt ra đến nay vẫn chưa thực hiện được.
“Chúng ta mong muốn có công viên Xóm Mai, P.Trảng Dài quy mô 200ha; tuyến sông sinh thái khu vực Tây Nam thành phố ở khu vực các phường, xã: Hóa An, Long Bình Tân, Long Hưng khoảng 400ha; công viên rừng trồng ở P.Phước Tân 900ha…, nhưng đến nay vẫn chưa làm được” - ông Hà chia sẻ.
Ông Hà cũng chia sẻ thêm, Biên Hòa là đô thị lớn, nằm kế cận các đô thị khác như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng hiện mới có 2 tòa nhà quy mô khoảng 19-20 tầng và chưa có một tòa nhà “chọc trời” nào. Với một đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh như Biên Hòa, điều này là chưa tương xứng.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá, Đồ án Quy hoạch chung của TP.Biên Hòa năm 2014 đã đưa ra một số nội dung định hướng tốt nhưng không gắn với khả năng thực tế, chưa xác định được nguồn lực thực hiện nên đến thời điểm này đã bộc lộ những khiếm khuyết.
“Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước nhưng khi so sánh với các đô thị loại I khác trong cả nước thì còn rất khập khiễng” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chỉ rõ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH: Phải tạo không gian cho phát triển dịch vụ, du lịch
Quy hoạch lần này là quy hoạch đưa Biên Hòa bước qua một giai đoạn phát triển mới. Xưa giờ, khi nhắc đến Biên Hòa là nghĩ ngay đến thành phố công nghiệp. Đây là lần đầu tiên nói về mục tiêu phát triển của thành phố là dịch vụ, rồi mới đến công nghiệp. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải tạo không gian cho phát triển dịch vụ du lịch. Nếu không có không gian phát triển dịch vụ du lịch thì không thể đạt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC: Tập trung một số nhiệm vụ quan trọng
UBND tỉnh đã định hướng thời gian tới, TP.Biên Hòa cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch phân khu C4, tập trung cùng các sở, ngành thực hiện chủ trương đầu tư đô thị cù lao phố Hiệp Hòa và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Nếu thực hiện được các công việc này, bộ mặt đô thị Biên Hòa sẽ khởi sắc.
Quỳnh Nhi (ghi)
* Trang phát triển mới của đô thị Biên Hòa
Trong dự thảo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045, với mục tiêu chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc đô thị công nghiệp sang mô hình cấu trúc đô thị dịch vụ và công nghiệp, đơn vị tư vấn đã đưa ra các định hướng phát triển cho đô thị Biên Hòa trong thời gian tới. Trong đó, Biên Hòa sẽ trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hạ tầng xã hội sẽ phát triển theo hướng hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố, hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn.
Về định hướng phát triển các vùng và các phân khu chức năng, đơn vị tư vấn đưa ra đề xuất phân chia không gian phát triển TP.Biên Hòa theo 5 vùng thành phố gồm: vùng thành phố trung tâm; vùng thành phố Tây Bắc; vùng thành phố Đông Bắc; vùng thành phố Tây Nam và vùng thành phố Đông Nam.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC: “Hiện nay, đô thị mới Nhơn Trạch đã có quy hoạch không gian ngầm nhưng Biên Hòa dù là đô thị loại I lại chưa có quy hoạch không gian ngầm”. |
Cùng với đó, trên địa bàn TP.Biên Hòa sẽ hình thành 4 hành lang và 1 trục phát triển gồm các hành lang Bắc - Nam số 1, 2; hành lang Đông - Tây 1, 2 và trục kết nối Đông - Tây số 3.
Theo ông Hồ Văn Hà, việc xác định mục tiêu của đồ án là phù hợp, bởi trong nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ mục tiêu phát triển đô thị Biên Hòa là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc đô thị công nghiệp sang mô hình cấu trúc đô thị dịch vụ công nghiệp. Ông Hồ Văn Hà đã đề xuất các ý tưởng đột phá trong quy hoạch TP.Biên Hòa như: phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch không gian ngầm; chỉnh trang đô thị hiện hữu và phát triển quỹ đất tái định cư, nhà ở xã hội.
“Rõ ràng vấn đề đầu tiên, hạ tầng giao thông chính là điểm nghẽn lâu nay của TP.Biên Hòa. Các trục giao thông vành đai, xuyên tâm các tuyến đường cửa ngõ đô thị quá nhỏ. Đây là “chiếc áo” quá nhỏ đối với một “cơ thể” to như Biên Hòa, một đô thị loại I, nên khu vực trung tâm thành phố không thể phát triển được” - ông Hà nêu quan điểm.
Trong khi đó, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, do có lịch sử phát triển công nghiệp sớm nên độ nén của đô thị Biên Hòa rất lớn. Quỹ đất phát triển lại hạn chế. Chính vì vậy, trong quy hoạch, TP.Biên Hòa cần rà soát lại quỹ đất công do các cơ quan, đơn vị đang sử dụng để phát triển không gian xanh, công cộng phục vụ người dân. Bên cạnh đó, Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh, giáp ranh với tỉnh Bình Dương và TP.HCM nên cũng cần tính toán quy hoạch gắn kết với quy hoạch vùng.
Phạm Tùng