TIN LIÊN QUAN |
---|
Để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án giao thông kết nối vùng, cần một nguồn lực rất lớn. Vì vậy, để hiện thực hóa các quy hoạch giao thông kết nối vùng cần sự đột phá mạnh mẽ về tư duy trong quá trình triển khai thực hiện.
* Linh hoạt chuyển đổi hình thức đầu tư
Cuối năm 2020, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chính thức được khởi công thực hiện. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.
Trước đó, vào tháng 6-2020, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cùng 2 dự án thành phần khác là Mai Sơn - quốc lộ 45 và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được Quốc hội thông qua nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư từ phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công.
Theo Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ giúp 3 dự án này rút ngắn tiến độ được 1 năm so với triển khai theo hình thức PPP.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, đối với dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh hiện đã có một số nhà đầu tư đặt vấn đề tìm hiểu để tham gia đầu tư theo hình thức PPP. |
Tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức PPP. Tuy nhiên, trong bối cảnh cấp bách phải sớm triển khai dự án để đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51; đồng thời, tạo sự đồng bộ về hạ tầng giao thông trên hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, vào tháng 2-2022, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Chính phủ, Bộ GT-VT đã đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Cuối tháng 3-2022, Hội đồng Thẩm định nhà nước (TĐNN) báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Kết quả, 13/14 thành viên hội đồng thông qua báo cáo do Bộ GT-VT trình.
Theo Hội đồng TĐNN, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, căn cứ vào nhu cầu và bối cảnh hiện nay, Bộ GT-VT cho rằng, việc chuyển sang đầu tư công là cần thiết. Vì đầu tư theo phương thức PPP nếu thuận tiện trong lựa chọn nhà đầu tư dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026, còn không sẽ kéo dài hơn. Do đó, việc chuyển sang đầu tư công giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án, bảo đảm sự chắc chắn thành công.
Đối với dự án này, Bộ GT-VT đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư. Theo đó, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53km với quy mô 4-6 làn xe, được đề xuất đầu tư công với tổng vốn dự kiến gần 18 ngàn tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu khép kín đường vành đai 3 - TP.HCM trong năm 2025, từ đầu năm 2021, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GT-VT nghiên cứu phương thức thực hiện dự án.
Theo Bộ GT-VT, sau khi hoàn thành nghiên cứu dự án, cuối tháng 7-2021, Bộ GT-VT đã có văn bản bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu và hồ sơ, các tài liệu liên quan cho các địa phương. Theo đó, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư phần đường cao tốc với quy mô 4 làn xe. Trong giai đoạn 1, dự án được phân chia thành 2 dự án thành phần gồm: dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành hai bên bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và dự án xây dựng đường cao tốc 4 làn xe theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao).
Mặc dù vậy, phương án đầu tư theo hình thức PPP lại không thực sự khả thi. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, đầu tư theo hình thức PPP thì khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư do tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Vì vậy, vào cuối tháng 1-2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 21/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án Đường vành đai 3, 4 - TP.HCM, trong đó Thủ tướng thống nhất đầu tư công đối với đường vành đai 3 - TP.HCM.
Theo Thủ tướng Chính phủ, do các dự án đi qua các đô thị, có tổng mức đầu tư lớn, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư rất cao nên việc đầu tư theo phương thức PPP gặp nhiều khó khăn và khó khả thi, nhất là đường vành đai 3 - TP.HCM. Từ thực tế trên, kết hợp với báo cáo của UBND TP.HCM, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng thống nhất đầu tư công đối với dự án.
* Phát huy “nội lực” của từng địa phương
Đường vành đai 3 - TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76,34km đi qua địa bàn 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Tháng 4-2022, Chính phủ đã có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Chính phủ, dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM được đề xuất thực hiện đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 75 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư hơn 41 ngàn tỷ đồng. Các địa phương nơi dự án đi qua có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo Sở GT-VT, đối với dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM đi qua địa bàn H.Nhơn Trạch, địa phương đề xuất 3 khu đất tạo vốn với diện tích khoảng 200ha. Đối với dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM, UBND H.Cẩm Mỹ đã đề xuất 3 khu đất tạo vốn tại 2 xã Sông Nhạn và Thừa Đức với diện tích khoảng 622ha; UBND H.Long Thành đề xuất 3 khu đất tạo vốn tại 2 xã Bình An và Cẩm Đường với diện tích hơn 270ha; UBND H.Trảng Bom đề xuất 1 khu đất tạo vốn với diện tích khoảng 80ha tại xã Trung Hòa và xã Đồi 61; UBND H.Vĩnh Cửu đề xuất 5 khu đất tạo vốn với diện tích 576ha. |
Để tạo thuận lợi trong triển khai đầu tư, Chính phủ đề xuất chia dự án thành 8 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.
Đối với dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM, vào cuối tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý với đề nghị của Bộ GT-VT về việc giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần. Toàn tuyến đường vành đai 4 - TP.HCM với tổng chiều dài khoảng 197km đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An sẽ được phân chia thành các đoạn tương ứng với chiều dài đi qua mỗi địa phương. Các địa phương sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đối với các đoạn tuyến đi qua địa bàn.
Trong bối cảnh nguồn lực Trung ương còn khó khăn, việc kết hợp nguồn lực của các địa phương đối với các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, trong đó có vùng Đông Nam bộ được xem là đáp án cho bài toán cân đối nguồn lực đầu tư.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia vào tháng 3-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo trong phát triển hạ tầng giao thông trên tinh thần đổi mới, đột phá tư duy. Theo đó, các địa phương cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo. Trung ương bố trí một phần, địa phương cân đối một phần nguồn vốn cho các dự án. Với các dự án đầu tư công, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm chủ đầu tư, với dự án PPP thì giao địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ GT-VT và các bộ, ngành phải giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương.
Để gia tăng nội lực cho các địa phương tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, Chính phủ thống nhất với phương án khai thác quỹ đất tạo vốn để tạo nguồn vốn tái đầu tư. Đây được xem là bước đột phá về cơ chế để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.
Theo Sở GT-VT, các địa phương trong tỉnh có các đoạn tuyến của các dự án đầu tư xây dựng 2 tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM đi qua địa bàn đã đề xuất các khu đất tạo vốn với tổng diện tích hơn 1,7 ngàn ha.
Phạm Tùng - Hương Giang - Vi Lâm
Bài 3: Bức tranh mới của mạng lưới giao thông kết nối vùng