Không đổi thời gian hoàn thành dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

15-12-2022

Thời điểm thông xe kỹ thuật và khánh thành đưa vào khai thác dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là không đổi. Đây là yêu cầu của Bộ GT-VT đối với các đơn vị, nhà thầu thực hiện dự án.

* Thông xe kỹ thuật vào ngày 31-12-2022

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 99km, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 51km, được chia làm 2 gói thầu xây lắp  3-XL và 4-XL.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được Bộ GT-VT giao làm chủ đầu tư dự án, để đảm bảo thông xe kỹ thuật vào ngày 31-12, các nhà thầu cần phải hoàn thành khối lượng thi công gồm: khoảng 620 ngàn tấn bê tông nhựa, 100 ngàn m3 cấp phối đá dăm gia cố xi măng (CTB), 250 ngàn m3 cấp phối đá dăm loại 1, 250 ngàn m3 đất đắp các loại và đào 90 ngàn m3 đá.  

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng mức đầu tư hơn 12,5 ngàn tỷ đồng. Đây là dự án duy nhất trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được đầu tư đồng bộ chuẩn cao tốc với tốc độ khai thác 120 km/giờ.

Với một khối lượng công việc khá lớn trong khi thời gian hoàn thành rất ngắn - chỉ khoảng 1 tháng nên đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các đơn vị liên quan trong việc hoàn thành đúng tiến độ dự án theo yêu cầu của Bộ GT-VT. Chính vì vậy, thời gian qua, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã đốc thúc các nhà thầu huy động toàn bộ phương tiện, nhân lực làm ngày, làm đêm để đạt tiến độ đề ra.

Trên công trường dự án, các nhà thầu đang triển khai 69 mũi thi công toàn tuyến ngày đêm tăng ca để đẩy nhanh tiến độ. Giá trị sản lượng thực hiện của dự án hiện nay đạt trên 77%. Phần lớn tuyến đã được thi công xong nền đường, cấp phối đá dăm và thảm nhựa. “Vấn đề mặt bằng, đất đắp không còn trở ngại nữa, khó khăn lớn nhất bây giờ là thời tiết mưa” - ông Phạm Hùng Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết.

Trước đó, trong chuyến khảo sát thực tế tiến độ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng cũng đã nhấn mạnh, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã phải lùi tiến độ thêm một quý, nên việc hoàn thành dự án là “không còn đường lùi”.

Trong thông báo số 512/TB-BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng tại đợt kiểm tra hiện trường các dự án thành phần đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng GT-VT cũng tiếp tục khẳng định thời điểm hoàn thành dự án. Theo đó, thời điểm thông xe kỹ thuật và hoàn thành dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là không đổi. “Thông xe kỹ thuật vào ngày 31-12-2022 và hoàn thành đưa vào khai thác dự án trước ngày 30-4-2023” -  thông báo kết luận của Bộ trưởng GT-VT nêu rõ.

* Xử lý nhà thầu yếu năng lực

Tại chuyến khảo sát thực tế tiến độ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, sự chủ quan của các nhà thầu, của ban quản lý dự án là một trong những nguyên nhân chính khiến cho dự án bị chậm tiến độ. Chính vì vậy, mới đây Bộ GT-VT đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long đôn đốc các nhà thầu tổ chức thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Xác định khối lượng công việc còn rất lớn và thời gian còn lại không nhiều, để đảm bảo hoàn thành thông xe kỹ thuật vào ngày 31-12-2022, Bộ GT-VT đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long căn cứ kế hoạch tiến độ đã lập tổ chức theo dõi, đánh giá từng ngày về tiến độ huy động nhân lực, thiết bị và tiến độ thi công của từng mũi, từng hạng mục công trình để kịp thời yêu cầu các nhà thầu khắc phục ngay các tồn tại và thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào ngày 30-9-2020. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sau 24 tháng thi công. Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dự án đã không thể hoàn thành đúng tiến độ. Sau đó, Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn thành thông xe kỹ thuật dự án trong tháng 9-2022 và khánh thành đưa vào khai thác trong tháng 12-2022. Mặc dù vậy, tiến độ dự án vẫn bị chậm và không thể hoàn thành như kế hoạch. Hiện nay tiến độ dự án đã tiếp tục được gia hạn với mục tiêu thông xe kỹ thuật trong tháng 12-2022 và khánh thành đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2023.

Trường hợp nhà thầu chậm tiến độ theo cam kết, không có khả năng khắc phục, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiên quyết điều chuyển khối lượng, hoặc bổ sung thầu phụ để thi công đảm bảo tiến độ.

Cụ thể, với từng gói thầu, Bộ GT-VT yêu cầu tại gói thầu 1-XL, Ban Quản lý dự án Thăng Long theo dõi chặt chẽ việc huy động thiết bị, nhân lực và tổ chức thi công của nhà thầu CIENCO8. Nếu nhà thầu chưa thực hiện đúng cam kết, kiên quyết xử lý ngay theo quy định hợp đồng, điều chuyển khối lượng trong liên danh hoặc bổ sung ngay thầu phụ thi công.

Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng phải yêu cầu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường khẩn trương huy động đủ thiết bị, nhân công đúng tiến độ cam kết, tập trung thi công đường đầu cầu và hoàn thiện mặt cầu đảm bảo tiến độ chung.

Tại gói thầu 2-XL, Bộ GT-VT đánh giá công tác đào đá và bê tông nhựa là đường gantt của gói thầu, nhà thầu Phương Thành cần khẩn trương tăng cường thiết bị đào phá đá đảm bảo hoàn thành trước ngày 10-12-2022; ký hợp đồng với đơn vị địa phương cung cấp bê tông nhựa đảm bảo yêu cầu tiến độ.

Đối với gói thầu 3-XL, theo Bộ GT-VT, hạng mục quyết định tiến độ là công tác đắp đất nền đường (còn khoảng 70 ngàn m3), móng cấp phối đá dăm, CTB (CTB - còn khoảng 100 ngàn m3) và bê tông nhựa (còn khoảng 180 ngàn tấn). Trên cơ sở đó, Bộ GT-VT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo nhà thầu VINACONEX chủ động nguồn vật liệu đất, cấp phối đá dăm, tăng cường thiết bị, bổ sung thêm mũi thi công, tập trung thi công cuốn chiếu nền đường, móng cấp phối đá dăm, CTB và khẩn trương hợp đồng với đơn vị địa phương cung cấp bê tông nhựa đảm bảo yêu cầu tiến độ, hoặc bổ sung thầu phụ thi công một phần khối lượng cấp phối đá dăm, bê tông nhựa nếu cần.

Riêng gói thầu 4-XL, Ban Quản lý dự án Thăng Long cần yêu cầu các nhà thầu khẩn trương bổ sung đầy đủ thiết bị, nhân công, chủ động nguồn vật liệu, tập trung thi công cuốn chiếu nền đường, móng cấp phối đá dăm, CTB để có công địa thi công bê tông nhựa; đẩy nhanh thi công đúc, lắp dải phân cách…

Đối với nhà thầu CIENCO6, Ban Quản lý dự án Thăng Long thường xuyên kiểm tra nguồn tài chính. Trường hợp nhà thầu không bố trí đủ nguồn tài chính, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ chung thì kiên quyết xử lý theo quy định hợp đồng.

Phạm Tùng

Đóng