'Cú hích' từ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

06-05-2023

Sau 7 năm, vùng Đông Nam bộ mới lại được đón nhận những km đường cao tốc tiếp theo sau những km đầu tiên thuộc dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vì vậy có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối và tạo ra “cú hích” phát triển cho toàn vùng.

Cuối tháng 4 vừa qua, sau hơn 2 năm xây dựng, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được khánh thành và đưa vào khai thác tuyến chính.

* Thúc đẩy phát triển

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99km, kết nối 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Dự án được khởi công vào cuối tháng 9-2020. Sau hơn 2 năm xây dựng, đến nay phần tuyến chính cao tốc đã chính thức được đưa vào khai thác.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây Đặng Hùng Thái cho biết: “Đường cao tốc rút ngắn 50% thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Phan Thiết và hiện chỉ còn hơn 2 tiếng”.

Đối với vùng Đông Nam bộ, với việc tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác, đây là lần đầu tiên khu vực này có tuyến cao tốc liền mạch, rút ngắn thời gian đi lại tại vùng trọng điểm này. Đồng thời, dự án cũng sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho toàn vùng.

Theo Bộ GT-VT, hiện đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được khai thác trên tuyến chính. Toàn dự án có 7 vị trí nút giao thì có 3 vị trí: nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nút giao với quốc lộ 1 thuộc địa phận H.Xuân Lộc và nút giao đường nối Ba Bàu với quốc lộ 1 thuộc địa phận H.Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) được đưa vào khai thác. Thời gian tới, các đơn vi thi công sẽ tiếp tục thi công hệ thống các đường gom dân sinh, đường song hành, các vị trí nút giao, cầu vượt để đảm bảo đưa vào khai thác đồng bộ toàn bộ dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến.

Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến chính có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ giúp giảm tải áp lực về ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn đóng vai trò là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của H.Xuân Lộc.

Phát biểu tại lễ khánh thành dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị UBND các tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai cần tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

* Kết nối cho Sân bay Long Thành

Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ là vùng nối xương sống các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, đến vùng Đông Nam bộ. Đây cũng là điểm kết nối vùng Tây nguyên. Lâu nay, hạ tầng giao thông kết nối vẫn được xem là điểm nghẽn lớn đối với sự phát triển của vùng Đông Nam bộ. Do đó, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành và đưa vào khai thác có thể xem là bước khởi đầu cho kỳ vọng “phá băng” trong đầu tư hạ tầng giao thông kết nối của vùng.

Trong quy hoạch hệ thống đường cao tốc, thời gian tới, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng sẽ được đầu tư xây dựng. Khi dự án này hoàn thành sẽ tạo được sự liền mạch trong kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong 5 tuyến giao thông đóng vai trò kết nối cho Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành khi “siêu” dự án này hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Đối với sân bay Long Thành, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đóng vai trò là cửa ngõ, kết nối sân bay với khu vực Nam Trung bộ cũng như với khu vực miền Trung, miền Bắc và Tây nguyên. Không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn là điểm kết nối các trung tâm động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ nói riêng và của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung như: TP.HCM, Sân bay Long Thành.

Phạm Tùng

Đóng